Bản tin thời sự sáng 10/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh bị điều tra trốn thuế; Hà Nội cho phép xe ôm công nghệ hoạt động trở lại sau hơn 6 tháng dừng; đầu tư 44.300 tỷ đồng làm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đề xuất từ 31/3/2022 trở đi sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế; Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ không dừng hoạt động trong tháng 2/2022…

Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh bị điều tra trốn thuế

Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh GreenID Nguỵ Thị Khanh bị bắt với cáo buộc trốn thuế.

Bị can Nguỵ Thị Khanh

Bị can Nguỵ Thị Khanh

Ngày 9/2, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội thông báo đã khởi tố, bắt tạm giam bà Khanh. Hành vi sai phạm cụ thể của bà chưa được công bố.

Năm 2011, bà Khanh thành lập Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam. Bà đồng thời là thành viên sáng lập Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam, một mạng lưới gồm 11 tổ chức trong nước và quốc tế.

Tháng 4/2018, bà Khanh được trao giải Goldman - giải thưởng lớn nhất thế giới cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở.

Trên website của mình, Trung tâm GreenID được giới thiệu là một tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Trung tâm được thành lập dưới Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) theo quyết định số 840/QD-LHH ngày 27/12/2011.

Hà Nội cho phép xe ôm công nghệ hoạt động trở lại sau hơn 6 tháng dừng

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa cho phép các đơn vị cung cấp ứng dụng hỗ trợ kết nối vận chuyển hành khách bằng xe môtô, xe gắn máy 2 bánh ở Thành phố được hoạt động lại đến khi có thông báo mới.

Hành khách nên đặt điểm đón và đợi xe ở vị trí an toàn với những ứng dụng gọi xe.

Hành khách nên đặt điểm đón và đợi xe ở vị trí an toàn với những ứng dụng gọi xe.

Ngày 9/2, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết vừa cho phép các đơn vị cung cấp ứng dụng hỗ trợ kết nối vận chuyển hành khách bằng xe môtô, xe gắn máy 2 bánh trên địa bàn thành phố Hà Nội được hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Cùng với cho phép hoạt động trở lại, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị cung cấp ứng dụng hỗ trợ kết nối hành khách bằng xe môtô, xe gắn máy hai bánh chịu trách nhiệm trong việc theo dõi, quản lý lái xe.

Các lái xe tham gia hoạt động loại hình vận tải này phải được tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc 5K và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của UBND thành phố Hà Nội và Bộ Y tế đảm bảo không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Đồng thời, các đơn vị tổng hợp danh sách lái xe, phương tiện và kết quả hoạt động gửi về Sở Giao thông vận tải để theo dõi và quản lý.

Trước đó, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội đã yêu cầu dịch vụ xe ôm nói chung và xe ôm công nghệ nói riêng ngừng khai thác từ cuối tháng 7/2021.

Đầu tư 44.300 tỷ đồng làm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km đi qua An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, dự kiến khởi công năm 2023, tổng mức đầu tư 44.300 tỷ đồng.

Hướng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Hướng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Nội dung đề cập trong tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, vừa được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định.

Dự án có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 thuộc TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Trong hơn 188 km toàn tuyến, đoạn qua An Giang dài gần 57 km, Cần Thơ gần 38 km, Hậu Giang khoảng 37 km và hơn 56 km còn lại đi qua tỉnh Sóc Trăng. Tuyến đường khi hoàn thiện sẽ có 6 làn cao tốc, với chiều rộng 32,25 m.

Giai đoạn một, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được nghiên cứu làm trước 4 làn cao tốc, rộng 17 m, cho xe chạy 80 km/h. Dự án được đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước cùng các nguồn khác để triển khai theo hình thức đầu tư công. Dự kiến, việc thi công tuyến đường thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025 và hoàn thành toàn bộ năm 2027.

Đề xuất từ 31/3/2022 trở đi sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế

Về mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế, Bộ VHTT&DL đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, đề xuất miễn thị thực đơn phương đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ như thời điểm trước năm 2020 (trước khi dịch Covid-19 bùng phát).

Đoàn khách quốc tế tham quan Hội An

Đoàn khách quốc tế tham quan Hội An

Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, khách du lịch quốc tế đến theo chương trình "hộ chiếu vaccine" đạt 467 khách. Từ khi Chương trình được triển khai đến ngày 7/2/2022, đã đón được 8.967 khách du lịch quốc tế đến 3 địa phương là Kiên Giang (Phú Quốc), Khánh Hòa, Quảng Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đề xuất từ 31/3/2022 trở đi sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua tất cả các cửa khẩu quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh việc Chính phủ công bố thời điểm mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, Bộ VHTT&DL đề xuất cần triển khai đồng bộ các giải pháp; có sự phối hợp của các ngành công an, y tế, giao thông vận tải, thông tin - truyền thông... và UBND các địa phương.

Trong đó về chính sách visa, Bộ VHTT&DL đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, đề xuất miễn thị thực đơn phương đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ như thời điểm trước năm; bao gồm miễn thị thực đơn phương đối với 24 quốc gia, vùng lãnh thổ và áp dụng thị thực điện tử cho công dân từ 46 quốc gia nhập cảnh vào Việt Nam.

Ngoài ra, ngành y tế cần cập nhật các hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh; hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về giám sát, xử lý ổ dịch phát sinh phù hợp với tình hình mới...

Bộ VHTT&DL đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ để sớm công nhận Chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ra nước ngoài du lịch.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ không dừng hoạt động trong tháng 2/2022

Trưởng Ban Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Hiệu cho biết, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn đang hoạt động bình thường, nên sẽ không có chuyện Nhà máy đóng cửa vào ngày 13/2/2022.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Cũng theo ông Hiệu, trong tháng 1/2022, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động đạt 70% công suất. Dự kiến trong tháng 2/2022, nhà máy hoạt động đạt 54% công suất, tháng 3/2022 đạt 86% công suất và những tháng tiếp theo sẽ hoạt động bình thường.

Về việc trong tháng 2/2022, Nhà máy chỉ hoạt động đạt 54% so với công suất, nhưng lượng xăng dầu trong kho vẫn còn nên cơ bản mặt hàng này sẽ không bị khan hiếm.

Trước đó vào tháng 1/2022, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã hủy nhập 2 tàu dầu thô so với kế hoạch ban đầu. Nguyên nhân là do Nhà máy thiếu kinh phí để duy trì hoạt động.

Đường sắt tăng cường tàu khách Hà Nội - TP.HCM từ 10/2

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa cho biết, từ ngày 10 - 12/2, đường sắt tổ chức chạy tăng cường tàu SE9 xuất phát ga Hà Nội đi TP.HCM nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của hành khách sau Tết.

Đường sắt tăng cường tàu khách Hà Nội-TP Hồ Chí Minh từ 10/2

Đường sắt tăng cường tàu khách Hà Nội-TP Hồ Chí Minh từ 10/2

Theo kế hoạch ban đầu, ngoài các tàu chạy thường xuyên, tàu SE9 chỉ chạy tăng cường các ngày 8, 9/2/2022. Tàu SE9 xuất phát ga Hà Nội lúc 14h25, đến ga Sài Gòn lúc 3h24.

Ngoài tàu SE9, trên tuyến Hà Nội - TP.HCM, ngành đường sắt tổ chức chạy nhiều đoàn tàu khách Thống Nhất và tàu khách khu đoạn để phục vụ hành khách với nhiều chính sách ưu đãi.

Từ ngày 9/2, ngành đường sắt áp dụng chính sách giảm giá vé đối với hành khách đi tàu số lẻ chiều Hà Nội - TP.HCM sau Tết Nguyên đán 2022.

Trước đó, trong các ngày từ 20/1 - 1/2/2022 (giai đoạn trước Tết), ngành đường sắt đã tổ chức chạy 146 đoàn tàu Thống Nhất và 106 đoàn tàu khu đoạn phục vụ hành khách đảm bảo an toàn hành khách, an toàn chạy tàu với tỷ lệ tàu đi, đến đúng giờ đạt trên 90%.

Cố tình không giảm VAT xuống 8% sẽ bị xử nghiêm

Tổng cục Thuế cho biết, doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh cố tình không xuất hóa đơn giá trị gia tăng áp dụng mức thuế suất 8% với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm, sẽ bị xử nghiêm...

Giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 8% để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn cho dịch Covid-19 và kích cầu tiêu dùng.

Giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 8% để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn cho dịch Covid-19 và kích cầu tiêu dùng.

Ngày 9/2, Tổng cục Thuế có Công điện số 02 về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Công điện của Tổng cục Thuế nêu rõ, qua kiểm tra, nắm bắt thông tin, vẫn còn một số trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chưa xuất hóa đơn giá trị gia tăng áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8%, đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% theo quy định tại Nghị định 15 của Chính phủ.

Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế chỉ đạo các phòng, các Chi cục Thuế cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, đồng thời, bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ.

Đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế giá trị gia tăng trên địa bàn để thực hiện đúng quy định về giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị định số 15 của Chính phủ, đảm bảo chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ thực chất đi vào cuộc sống.

Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Chuyên đề