Chủ nợ lớn nhất của Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín. Ảnh: Tường Lâm |
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 2.500 đồng/CP. Mức giá này phần nào phản ánh được tình hình khó khăn của Công ty.
Sacombank mắc kẹt hàng trăm tỷ đồng
Với vốn điều lệ 88 tỷ đồng, tính đến 31/12/2018, lỗ lũy kế của APT đã lên tới 628,4 tỷ đồng. Với kết quả như vậy, nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty đã âm 538,6 tỷ đồng. Bên cạnh vốn chủ sở hữu bị âm, tổng giá trị các khoản nợ ngắn hạn của Công ty đã lên tới 705,4 tỷ đồng, cao hơn tới 604,5 tỷ đồng so với tổng tài sản ngắn hạn.
Chính những khó khăn trên đã dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty từ đơn vị kiểm toán - Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC. Qua đó, khả năng thanh toán các khoản nợ của APT bị đặt dấu hỏi.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2018 của APT, chủ nợ lớn nhất của Công ty là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với tổng giá trị các khoản nợ lên tới 635,4 tỷ đồng (bao gồm cả gốc và lãi).
Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, APT còn phát sinh 2 khoản nợ gốc với Sacombank gồm khoản vay theo Hợp đồng tín dụng số 011/01/09 ngày 8/1/2009 với hạn mức tín dụng 103 tỷ đồng và lãi suất 12%/năm; khoản vay thứ hai theo Hợp đồng tín dụng số 009/01/09 ngày 8/1/2009 với hạn mức tín dụng 5.833 lượng vàng SJC, tương đương hơn 213 tỷ đồng theo giá vàng tại ngày 31/12/2018, lãi suất cho vay 10,8%/năm.
Cũng do APT không có khả năng trả nợ cho Sacombank trong nhiều năm qua, công ty này cũng đang phải ghi nhận khoản tiền lãi vay phải trả lên đến 318,5 tỷ đồng.
Được biết, các khoản vay này phát sinh từ thời Ngân hàng TMCP Phương Nam, trước khi ngân hàng này được sáp nhập vào Sacombank tháng 10/2015.
Để xử lý khoản nợ vay này, các giải pháp như chuyển nợ vay thành vốn góp, phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ nhằm thực hiện việc tái cấu trúc Công ty theo chỉ đạo của UBND TP.HCM mặc dù đã được Đại hội đồng cổ đông APT thông qua và xây dựng thành các phương án đều không thể thực hiện được do cơ chế pháp lý hiện nay không cho phép. Hiện Công ty đang đề xuất phương án hai bên cùng tìm kiếm nhà đầu tư mua lại khoản nợ vay này.
Ngoài ra, APT còn ghi nhận phải trả Sở Tài chính TP.HCM khoản vốn cấp xây dựng nhà máy chế biến thủy sản tại Khu công nghiệp Tân Tạo sau khi đã xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa là 11,17 tỷ đồng.
Nợ khó đòi lên đến 111,4 tỷ đồng
Tính đến cuối năm 2018, tổng giá trị các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán khó có khả năng thu hồi của Công ty là 111,4 tỷ đồng. Trong đó, con nợ lớn nhất của APT là Công ty CP Bảo Vinh (50,7 tỷ đồng).
Bên cạnh Bảo Vinh, các con nợ của APT chủ yếu là các cá nhân như: Hồ Hữu Trí (7,6 tỷ đồng), Trương Văn Ruông (7,8 tỷ đồng), Phan Trọng Hiệp (6,7 tỷ đồng)…
Được biết, trong năm 2018, Công ty đã thu được hơn 226 triệu đồng thông qua khởi kiện, thi hành án đòi nợ. Các vụ việc đang thi hành án còn lại có khả năng thu hồi nợ rất thấp do những người phải thi hành án không còn tài sản cũng như không có khả năng để trả cho Công ty.
APT tiền thân là doanh nghiệp nhà nước và thực hiện cổ phần hóa từ năm 2007. Hiện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) đang đại diện cho Nhà nước sở hữu 30% vốn điều lệ tại APT.