Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là 21,40% đối với sản phẩm ghế và 35,20% đối với sản phẩm bàn.
Sản phẩm bị áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời được phân loại theo các mã HS: 9401.30.00, 9401.40.00, 9401.61.00, 9401.69.90, 9401.71.00, 9401.79.90, 9401.80.00, 9401.90.40, 9401.90.92, 9401.90.99, 9403.30.00, 9403.60.90, 9403.90.90.
Thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày Quyết định 1991/QĐ-BCT được ban hành và thời gian áp dụng là 120 ngày (trừ trường hợp được gia hạn, thay đổi, hủy bỏ theo quy định pháp luật).
Trong quá trình điều tra vụ việc, thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Malaysia và Trung Quốc.
Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù có tồn tại hành vi bán phá giá nhưng do tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Malaysia ở mức không đáng kể (dưới 3%), vì vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương, hàng hóa bị điều tra từ Malaysia được loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời.
Đối với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc, mức độ bán phá giá được xác định từ 21,40% đến 35,20% và lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra gia tăng cả về tuyệt đối và tương đối so với tổng lượng tiêu thụ nội địa và sản lượng hàng hóa tương tự của ngành sản xuất trong nước, là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.