Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số trường hợp ấn định thuế tại Điều 14 của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế cần được xem xét lại. Ảnh: Hoàng Hà |
Luật Quản lý thuế năm 2019 giao Chính phủ quy định về ấn định thuế đối với người nộp thuế trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế (Điều 50) và ấn định thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 52).
Góp ý về quy định ấn định thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội đề xuất, Dự thảo Nghị định cần bổ sung trường hợp người nộp thuế “cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết” cũng bị cơ quan thuế ấn định số tiền thuế phải nộp, để đảm bảo chặt chẽ, bao quát các trường hợp.
Cục Thuế TP. Hà Nội cũng đề nghị bổ sung quy định về xác định tiền chậm nộp nhằm đảm bảo rõ ràng, minh bạch khi xác định số thuế ấn định, tiền chậm nộp; đồng thời, quy định rõ thời hạn gửi quyết định ấn định cho người nộp thuế.
Để đơn giản, thuận tiện và giảm thủ tục trong công tác quản lý thuế, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đề nghị bổ sung quy định về việc ban hành quyết định ấn định thuế trong trường hợp cơ quan thuế ấn định thuế, kiểm tra thuế, thanh tra thuế theo hướng gộp nội dung ấn định, xử lý vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vào cùng một quyết định.
Liên quan đến nội dung này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nêu một số điểm cần cân nhắc, xem xét.
Theo đó, một số trường hợp ấn định thuế tại Điều 14 của Dự thảo cần được xem xét lại. Đó là: Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường (Khoản 9); Không tuân thủ quy định về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết hoặc không cung cấp thông tin theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết (Khoản 13).
VCCI cho rằng, khái niệm “giá trị giao dịch thông thường trên thị trường” cần được làm rõ, bởi trên thực tế đang có nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.
Khoản 13 quy định về ấn định thuế cho trường hợp vi phạm quy định về “nghĩa vụ kê khai”, “xác định giá giao dịch liên kết”, “cung cấp thông tin” theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.
Theo VCCI, quy định này là chưa thống nhất với Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Cụ thể, Khoản 3 Điều 12 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định các trường hợp cơ quan thuế sẽ ấn định thuế đối với người nộp thuế có các hành vi vi phạm pháp luật về xác định giá giao dịch liên kết gồm: vi phạm về nghĩa vụ kê khai, cung cấp thông tin, các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết. Các trường hợp này không có “xác định giá giao dịch liên kết”. VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại cụm từ “xác định giá giao dịch liên kết” để đảm bảo thống nhất giữa các nghị định.
Về ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Điều 17 của Dự thảo Nghị định quy định thời hạn nộp tiền thuế ấn định của trường hợp ấn định thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu, hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế, hàng hóa là linh kiện điện tử, hàng lỏng, hàng rời, hàng dưới dạng khí, hàng hóa khác không xác định được tờ khai nhập khẩu cụ thể là “tờ khai nhập khẩu cuối cùng có mặt hàng bị ấn định thuế”.
VCCI cho rằng, quy định về thời hạn nộp tiền thuế ấn định trên là chưa phù hợp với Luật Quản lý thuế, vì theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 55 của Luật, “thời hạn nộp số tiền thuế ấn định được áp dụng theo thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu”. Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính thống nhất.