3 nguyên nhân khiến giá sản phẩm sắt, thép tăng phi mã

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 4/2021 tăng 4,23% so với tháng trước và tăng 27,68% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 23,15%. Có 3 nguyên nhân chính khiến giá thép tăng phi mã.
Giá thép xây dựng hiện tăng 40-45% so với thời điểm cuối năm 2020 khiến các nhà thầu điêu đứng (ảnh: internet)
Giá thép xây dựng hiện tăng 40-45% so với thời điểm cuối năm 2020 khiến các nhà thầu điêu đứng (ảnh: internet)

Trước hết là do giá các nguyên liệu đầu vào như: quặng sắt, phế liệu, phôi thép và chi phí vận chuyển tăng làm giá sản xuất sản phẩm sắt, thép tăng.

Tính đến ngày 6/4/2021, giá phôi thép ở mức 633 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng khoảng 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020, tác động làm tăng giá sắt, thép trong nước.

Cụ thể, ở miền Bắc, giá sắt, thép tháng 4/2021 giao động từ 14,2 - 15,4 triệu đồng/tấn, tăng 3,3% so với tháng 3/2021, tăng 29% so với tháng 10/2020 và tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước. Tại miền Nam, giá sắt, thép tháng 4/2021 giao động từ 15,5 - 16,4 triệu đồng/tấn, tăng 4,9% so với tháng 3/2021, tăng 24,6% so với tháng 10/2020 và tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ hai là do nguồn cung sắt, thép toàn cầu giảm do Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm soát sản lượng tại khu vực Đường Sơn kết hợp với kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các thành phố sản xuất quặng sắt. Bên cạnh đó, chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu năm 2021 sau khi Trung Quốc kiểm soát được dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng mở đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Theo đó, nhu cầu nhập khẩu sắt, thép của Trung Quốc tăng và tác động tăng giá sắt, thép toàn cầu.

Tại châu Âu và Mỹ, việc thiếu hụt nguồn cung sắt, thép do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời gian giao hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kéo dài là nguyên nhân chính khiến giá sắt, thép tăng mạnh.

Nguyên nhân thứ ba là tại Việt Nam, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, sản xuất phục hồi, hoạt động xây dựng khởi sắc. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất sản phẩm sắt, thép, các công trình xây dựng gấp rút triển khai, đồng thời tăng cường mua sản phẩm sắt, thép đề phòng giá tăng ảnh hưởng đến chi phí xây dựng công trình…

“Những yếu tố này tác động giá sắt, thép trong nước tăng mạnh. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng sắt, thép trên thị trường cuối năm 2020 và đầu năm 2021 tăng cao do việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng”, Tổng cục Thống kê đánh giá.

Trước tình hình giá sản phẩm sắt, thép xây dựng tăng phi mã, Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông khẩn trương đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá. Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng cho rằng cần công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn…

Chuyên đề