Xúc động những đường bay

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khoảng thời gian giữa Tết Canh Tý và Tết Tân Sửu thật kỳ lạ, ta chưa từng chứng kiến và trải qua. Một khoảng thời gian đầy bất ngờ, lắm biến cố, nhưng cũng cho ta thêm bao nhiêu trải nghiệm để mạnh mẽ hơn, từ tầm vóc quốc gia đến tình cảm mỗi con người.
Các chuyến bay tiếp nối đưa đồng bào mắc kẹt ở vùng dịch về nước. Ảnh: Lê Tiên
Các chuyến bay tiếp nối đưa đồng bào mắc kẹt ở vùng dịch về nước. Ảnh: Lê Tiên

Đêm giao thừa mưa đá đổ xuống dồn dập.

Sáng Nguyên đán, thời điểm đầu tiên của ngày xuân mới, mưa rào đan trắng trời đất như giữa mùa hạ. Bao nhiêu linh cảm đầy những lo âu về điều bất thường sẽ đến. Rồi bất thường đã hiện ra rất nhanh, là hiện thực nhãn tiền chứ không mơ hồ nữa.

Đến thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 đã đẩy hơn 100 triệu con người vào giường bệnh, cướp đi hơn 2 triệu mạng sống trên toàn cầu. Chưa có một dịch bệnh nào trong lịch sử nhân loại có hậu quả đến như vậy. Nhiều cường quốc bỗng trở nên “tơi tả” trước con virus quái ác này. Khủng hoảng y tế đã thực sự diễn ra ở nhiều nơi vốn được coi là có hệ thống trang thiết bị y tế tối tân, có trình độ hàng đầu trong phòng chống dịch bệnh.

Ở Việt Nam cũng có đủ những biểu hiện căng thẳng, xáo trộn, âu lo trĩu nặng khi đối diện với đại dịch. Có những làng xã, những con phố bị phong tỏa. Có bệnh viện thành nơi ủ dịch. Nhiều hoạt động xã hội và giao thương bị ngừng trệ. Có thời điểm trên bầu trời không có máy bay thương mại, trên quốc lộ không còn xe chở khách, tàu hỏa nằm im ắng tại ga. Trường học đóng cửa, công sở nghỉ việc. Đại dịch ở Việt Nam cũng diễn biến hết sức phức tạp, hết đỉnh dịch thứ nhất, lại xuất hiện đỉnh dịch lần thứ hai…

Trong bối cảnh chung nguy cơ toàn cầu, Việt Nam trở thành một biểu tượng thành công trong đương đầu với đại dịch. Là một quốc gia ở ngay bên cạnh trung tâm bùng phát dịch với đường biên giới dài, nhiều lối mở, năng lực y tế chưa đạt đến mức tiên tiến, vậy mà Việt Nam đã ngăn chặn được khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 từ rất sớm. Bây giờ, đang hết sức tập trung, không lơ là và chủ quan, chúng ta đã cảm nhận được niềm vui chiến thắng sẽ đến trong cuộc chiến với đại dịch.

Những hình ảnh tạo nên ấn tượng. Những ấn tượng đặc biệt kết lại để thành một tư thế, thành một biểu tượng Việt Nam đi qua đại dịch, đã lan tỏa trên truyền thông quốc tế và sẽ được ghi nhớ lâu dài trong ký ức.

Giữa lúc cánh cửa biên giới các quốc gia dần khép lại, những đường bay thương mại đóng cửa, thì người Việt đã quyết tâm vượt qua rất nhiều khó khăn để mở những đường bay, theo quy trình đặc biệt an toàn lần đầu tiên có tại Việt Nam, đưa đồng bào đang gặp hoạn nạn, mắc kẹt ở những tâm dịch, trở về quê hương.

Đầu tiên là ấn tượng mới về thống nhất và đoàn kết quốc gia để đương đầu với biến cố mang tính chất toàn cầu. Người đứng đầu đất nước ra lời kêu gọi, lãnh đạo Chính phủ hiệu triệu “Chống dịch như chống giặc”. Toàn dân tin tưởng và thống nhất trong một tâm thế chung, tuân thủ nghiêm ngặt những kế hoạch cùng những phương châm, hướng dẫn của chính quyền. Đội ngũ cán bộ y tế vừa tỉnh táo, khẩn trương đưa ra những tham mưu phù hợp cho chính quyền từ Trung ương tới địa phương, vừa xả thân và tận tụy tại các cơ sở y tế để điều trị bệnh nhân. Bộ đội và lực lượng biên phòng gối đất nằm sương canh phòng biên giới, nhường nơi ở cho người cách ly. Công an cùng các lực lượng cơ sở bám sát địa bàn quản lý giãn cách xã hội, truy vết mầm bệnh… Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu về chỉ số người dân tin tưởng vào chính quyền trong cuộc chiến với đại dịch toàn cầu.

Tiếp đến là ấn tượng về sức mạnh quốc gia trong huy động các nguồn lực để tạo ra cơ sở vật chất đối diện với cam go. Các tập đoàn kinh tế, doanh nhân đóng góp lớn và kịp thời về tài chính. Người dân nhất loạt gửi tin nhắn ủng hộ cùng các hành động tương thân tương ái. Dây chuyền của VinFast và Vsmart dừng sản xuất ô tô và điện thoại thông minh để chuyển sang sản xuất máy thở. Với sự đầu tư của Sun Group cùng các tập đoàn như Vingroup, FPT, Ecopark…, sân vận động Tiên Sơn ở Đà Nẵng, chỉ sau 4 ngày, đã trở thành một bệnh viện dã chiến hiện đại không thua kém các bệnh viện tốt nhất với 284 giường tại sàn thi đấu tầng 1 và có khả năng tăng tới 700 đến 1.000 giường bệnh đáp ứng nhu cầu nếu dịch bùng phát mạnh hơn… Những hình ảnh này được các hãng thông tấn lớn như AFP, Bloomberg, Reuters... khai thác, các hãng truyền thông của Mỹ, châu Âu, châu Á dẫn lại, đã tạo nên những cảm xúc rất tích cực trên toàn thế giới về đất nước, con người Việt Nam.

Và một ấn tượng nữa có ý nghĩa cao cả, mang đậm tinh thần nhân văn là những chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước, về với xứ sở đã sinh ra khái niệm “đồng bào” để xưng gọi dân tộc mình. Giữa lúc cánh cửa biên giới các quốc gia dần khép lại, những đường bay thương mại đóng cửa, thì người Việt đã quyết tâm vượt qua rất nhiều khó khăn, bỏ ra rất nhiều tiền bạc và công sức, có sự đóng góp lớn của các doanh nhân, để mở những đường bay, theo quy trình đặc biệt an toàn lần đầu tiên có tại Việt Nam, đưa đồng bào đang gặp hoạn nạn, mắc kẹt ở những tâm dịch, trở về xứ sở.

Chuyến bay VN68 của Vietnam Airlines đưa 30 người Việt từ Vũ Hán (Trung Quốc) về Vân Đồn vào 5 giờ sáng ngày 10/2/2020 là chuyến bay mở đường, là đường bay sinh nở. Trên chuyến bay ấy, một công dân mới là bé trai Anh Vũ đã được một phụ nữ trở về từ vùng dịch sinh ra.

Sau chuyến bay này là nối tiếp rất nhiều chuyến bay khác, mỗi chuyến bay đều có những câu chuyện đặc biệt riêng. Đó là chuyến bay đón 74 người Việt từ Ukraina theo chiều về, kết hợp chiều đi hồi hương cho 238 công dân nước bạn là kết quả của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai quốc gia; chuyến bay từ Guinea Xích đạo đưa 219 công nhân Việt Nam lao động ở quốc gia châu Phi bên bờ Đại Tây Dương về nước, là chuyến bay cứu hộ, có sự phối hợp hiệu quả và nhanh chóng giữa nhiều cơ quan dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Còn bao nhiêu chuyến bay như thế đã cất cánh và còn tiếp tục cất cánh. Những chuyến bay đi vào lòng người.

Việt Nam là một đất nước chưa giàu có nhưng khiến nhiều bạn bè trên thế giới khâm phục vì sự bao dung, hết lòng trong bảo hộ công dân của mình. Đã nhiều lần, những đường bay xứ sở được mở ra đưa người Việt trở về trong các biến cố như: đưa công dân Việt Nam trở về từ Malaysia, Trung Đông các năm 2005 - 2007; giải cứu hành khách mắc kẹt tại Thái Lan do khủng hoảng chính trị năm 2008; đưa hành khách rời châu Âu sau sự kiện núi lửa phun tại Iceland năm 2010; đưa người Việt về nước khi xảy ra động đất và sóng thần tại Nhật Bản năm 2011; chiến dịch lập cầu hàng không giải cứu lao động tại Lybia các năm 2011 và 2014…

Người Việt Nam, từ xa xưa đến hiện tại, đã có mặt ở rất nhiều nơi, kể cả những nơi xa xôi nhất trên thế giới. Người Việt luôn hướng về nguồn cội và xứ sở, nhất là trong những ngày Tết đến xuân về. Điều này là một trong những cốt lõi của hạnh phúc. Đó cũng là cốt lõi cần phát huy để phát triển đi đến thịnh vượng, để Việt Nam trở thành nơi đáng sống trên địa cầu!

Chuyên đề