Những câu thơ được học từ thuở vỡ lòng đã đi vào ký ức của bao thế hệ người dân Việt Nam về chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa thần tốc, kiêu hãnh, vang dội của nhân dân ta trước quân xâm lược Mãn Thanh, ghi đậm dấu ấn của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.
Nguyễn Huệ (1753 - 1792) bắt đầu cầm quân chiến đấu từ năm 18 tuổi và trong hơn 20 năm binh nghiệp, ông là vị tướng bất bại. Ông đã đánh đổ cả hai tập đoàn thống trị ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, lập nên những chiến công hiển hách chống quân xâm lược Xiêm và Mãn Thanh, thực hiện được khát vọng thống nhất đất nước vào cuối thế kỷ 18.
Tháng 10/1788, vua Lê Chiêu Thống bạc nhược cầu viện 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy sang đánh chiếm Đại Việt.
Ngày 24/11/1788 (âm lịch), Nguyễn Huệ nhận được tin cấp báo về việc quân Mãn Thanh sang đánh chiếm nước ta. Ngay ngày hôm sau (25/11 năm Mậu Thân), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung rồi ra lệnh xuất quân. 4 ngày sau đó, vua Quang Trung kéo quân ra Nghệ An, tuyển thêm binh lính, và đến ngày 20/12 âm lịch, ông mở hội khao quân tại Tam Điệp. Ngày cuối cùng của năm Mậu Thân 1788, ông ra lệnh tổng tiến công tiêu diệt quân Thanh.
Với ưu thế thần tốc, bất ngờ, vua Quang Trung chỉ huy quân lính vượt sông Gián Khẩu (sông Đáy) để tiêu diệt đồn tiền tiêu trên hệ thống phòng ngự của địch, mở đầu cuộc tiến công đại phá quân Thanh. Đội quân của vua Quang Trung sau đó đã nhanh chóng tiến lên, liên tiếp tiêu diệt các đồn quân Thanh và đuổi theo bắt gọn quân do thám của giặc. Đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu 1789, đội quân Tây Sơn bí mật vây chặt đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Tây) rồi uy hiếp buộc địch đầu hàng. Quân ta tiêu diệt một đồn lũy trọng yếu của địch cách Thăng Long 20 km không tốn một mũi tên, hòn đạn.
Cho đến trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu, trong vòng 5 ngày đêm, 29 vạn quân giặc do Tôn Sĩ Nghị làm tổng chỉ huy đã bị tiêu diệt và ra đầu hàng. Tướng giặc Sầm Nghi Đống thắt cổ chết tại sở chỉ huy. Tổng chỉ huy quân giặc Tôn Sĩ Nghị “hốt hoảng bỏ chạy, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp”. Thấy tướng chạy, quân chạy theo, qua cầu phao vượt sông Hồng, cầu gãy, hàng vạn quân Thanh rơi xuống nước chết. Và trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung ngồi trên lưng voi, áo bào xạm đen khói súng, đi đầu đại quân tiến vào Thăng Long, giữa cảnh mừng vui khôn xiết của nhân dân.
Như vậy, kể từ khi lên ngôi vua đến khi tiêu diệt toàn bộ quân Thanh, nghĩa quân Tây Sơn do vua Quang Trung chỉ huy vừa hành quân vừa đánh giặc trong khoảng thời gian 1 tháng 10 ngày.
Nhiều nhà sử học Việt Nam đánh giá, chiến thắng thần tốc hơn 20 vạn quân Thanh xuân Kỷ Dậu (1789) là đỉnh phát triển cao nhất của phong trào Tây Sơn, chứng tỏ tài năng quân sự của vua Quang Trung và sức sống bền bỉ của dân tộc. Đó là một mốc son lịch sử, ghi dấu chiến công vô cùng oanh liệt của quân và dân ta trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vang dậy non sông cách đây đã 230 năm nhưng mỗi mùa xuân đến, nhiều thế hệ người dân Việt Nam vẫn bồi hồi nhớ lại chiến công thần tốc năm ấy dưới sự chỉ huy tài ba của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.
Theo tương truyền, sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác quân Thanh, lấp đất chôn và đắp cao thành gò, trên các gò cây cối mọc um tùm nên có tên là Đống Đa. Hàng năm, vào ngày mồng 5 Tết Nguyên Đán, nhân dân khắp mọi miền lại đổ về khu vực Gò Đống Đa để dự lễ hội, dâng cúng hương hoa, bày tỏ lòng biết ơn người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và ôn lại những trang sử vẻ vang, tự hào của dân tộc. Trong Lễ hội Gò Đống Đa, người dân thường tổ chức các cuộc thi đấu võ, côn quyền, đánh trống... rất đặc sắc.
Các nhà nghiên cứu lịch sử đều đánh giá, chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là sự kết tinh, hội tụ của lòng yêu nước, yêu độc lập - tự do ngàn đời của nhân dân ta; khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường; là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc.