Xử phạt hành chính thuế, hóa đơn: Cần thống nhất với các quy định pháp luật khác

(BĐT) - Góp ý với Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu một số điểm chưa thống nhất với các quy định pháp luật khác.
 VCCI đề nghị xem xét lại nhiều nội dung tại Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Ảnh: Internet
VCCI đề nghị xem xét lại nhiều nội dung tại Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Ảnh: Internet

Điểm c Khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định “đình chỉ hoạt động từ 1 tháng đến 3 tháng” là một trong các hình thức xử phạt bổ sung. VCCI đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này để đảm bảo tính thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan.

Bởi vì, theo quy định tại pháp luật về doanh nghiệp và các văn bản pháp luật chuyên ngành (quy định về điều kiện kinh doanh, giấy phép) thì vi phạm hành chính về thuế không thuộc các trường hợp doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Điều 11 Dự thảo quy định về số ngày quá hạn nộp hồ sơ khai thuế để xác định hành vi vi phạm và khung phạt tiền. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định rõ thời điểm là căn cứ xác định thời gian quá hạn. Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời điểm căn cứ để xác định thời gian quá hạn.

Về xử phạt hành vi vi phạm quy định về đặt in hóa đơn, Điều 19 Dự thảo quy định xử phạt đối với một số hành vi. Đó là: đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng in bằng văn bản hoặc tổ chức nhận in hóa đơn tự in hóa đơn đặt in để sử dụng nhưng không có quyết định in hóa đơn của thủ trưởng đơn vị theo quy định (Khoản 1); không thanh lý hợp đồng in nếu quá thời hạn thanh lý hợp đồng quy định trong hợp đồng đặt in hóa đơn hoặc thời điểm kết thúc hợp đồng khi đã lập từ thông báo phát hành hóa đơn (Điểm a Khoản 3).

Theo ý kiến của VCCI, Dự thảo quy định xử phạt đối với các hành vi trên cần xem xét lại bởi có thể phù hợp với tính chất của hành vi vi phạm hành chính. Theo đó, đây là giao dịch dân sự giữa bên đặt và nhận in do pháp luật về dân sự điều chỉnh.

Xét trong mối quan hệ quản lý nhà nước, các hành vi này không tác động đáng kể. Bên đặt in và bên nhận in dù có ký hợp đồng bằng văn bản, lời nói, hay hình thức khác hay không cũng không thay đổi bản chất của giao dịch giữa hai bên, Nhà nước sẽ nắm được thông tin về số hóa đơn được in và phát hành dựa trên báo cáo của các chủ thể này. Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định trên.

Về xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn, hiện có 3 nghị định điều chỉnh về hóa đơn: Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ. Từ ngày 1/11/2020, sẽ chỉ còn lại Nghị định 119, hai Nghị định 51 và Nghị định 04 sẽ hết hiệu lực, có nghĩa kể từ thời điểm này sẽ chỉ có hóa đơn điện tử.

Như vậy, các quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hóa đơn giấy hay các quy định tại Nghị định 51, Nghị định 04 sẽ không còn phù hợp kể từ ngày 1/11/2020.

Để đảm bảo tinh minh bạch và thống nhất, VCCI đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ Chương III Dự thảo và quy định thời hạn có hiệu lực của các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm liên quan đến hóa đơn giấy quy định tại Nghị định 51, Nghị định 04 tương ứng với thời hạn hiệu lực của hai Nghị định này, tức ngày 1/11/2020.

Chuyên đề