Xử lý vi phạm môi trường: Không có vùng cấm

(BĐT) - Các dự án đầu tư ở bất kỳ ngành nào, dù thuộc danh mục khuyến khích đầu tư cũng phải chấp hành nghiêm các quy định về đầu tư, bảo vệ môi trường. Kiên quyết không cấp phép các dự án không đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường.
Luật Đầu tư đã có quy định rất rõ về việc xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường
Luật Đầu tư đã có quy định rất rõ về việc xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh quan điểm này tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 diễn ra chiều muộn ngày 2/8. 

Có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm

Người phát ngôn Chính phủ khẳng định như vậy trước câu hỏi của báo giới về việc có ý kiến cho rằng, quy định và việc giám sát xử lý nước thải của Việt Nam còn thiếu chặt chẽ, khiến doanh nghiệp có thể “lách luật”. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, vấn đề quản lý nước thải là một trong những nội dung quan trọng của pháp luật bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thời gian qua, khâu tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát thực thi còn nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, quan điểm của Chính phủ là thu hút đầu tư phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Do đó, trong thực hiện các hiệp định thương mại tự do tới đây, không loại trừ có sự dịch chuyển đầu tư những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao vào Việt Nam. Song, ông Dũng nhấn mạnh, tất cả các dự án đầu tư phải chấp hành nghiêm các quy định về đầu tư, bảo vệ môi trường, nếu vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.

Đối với hành vi chôn chất thải từ Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh không đúng quy định, ảnh hưởng đến môi trường, người phát ngôn Chính phủ khẳng định, mọi vi phạm về môi trường đều bị xử lý nghiêm, theo đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến sự cố vỡ ống chứa trong quá trình vận hành thử, tràn hóa chất ra suối Đắk Dao của Nhà máy Alumin Nhân Cơ gây cá chết và một số người dân bị bệnh, khiến dư luận lo ngại về chất lượng công trình và nguy có ảnh hưởng tới môi trường, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, sự cố đã được khống chế hoàn toàn ngay sau khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, sự cố này đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có. Đồng thời, chỉ đạo các các bộ, ngành liên quan và các cơ sở sản xuất tiếp tục rà soát, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, yêu cầu các chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định, kể cả trong quá trình đầu tư xây dựng cũng như quá trình sản xuất.

Xung quanh việc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quyết định thanh tra toàn diện Dự án Khoáng sản Núi Pháo (Thái Nguyên), ông Dũng cho hay, việc thanh tra toàn diện về tài nguyên và môi trường đối với doanh nghiệp là hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước. Qua thanh tra, Bộ TN&MT sẽ cùng UBND tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn, chấn chỉnh Công ty Núi Pháo phải thực hiện đúng quy định của pháp luật; nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Công ty cũng cần giải quyết thỏa đáng các kiến nghị, khiếu nại của người dân đối với hoạt động của mình.

Xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm

Phát biểu tại cuộc Họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, theo Luật Đất đai 2013 thì việc cho thuê đất các dự án có thể kéo dài tới 70 năm, tuy nhiên, cho phép hoạt động dự án lại thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Luật Đầu tư đã có quy định rất rõ về việc xử lý doanh nghiệp có vi phạm pháp luật về môi trường. Theo đó, Điều 47 Luật Đầu tư quy định 5 trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư, trong đó có việc ngừng hoạt động để khắc phục vi phạm về môi trường. Bên cạnh đó, Điều 48 của Luật này cũng quy định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư nếu vi phạm.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nói thêm, theo Luật Đất đai 2013, thẩm quyền cho thuê đất phân cấp cho UBND tỉnh/thành phố là 50 năm. Đối với việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài theo Luật Đầu tư 2014 thì UBND tỉnh có thẩm quyền cấp phép trong thời gian 50 năm, còn trên 50 năm thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Đối với việc tỉnh Hà Tĩnh cấp phép cho các nhà đầu tư thuê đất 70 năm là sai thẩm quyền, thẩm quyền này thuộc Chính phủ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các tổ chức cá nhân vi phạm là không có vùng cấm, kết quả thanh tra, kiểm tra phải được công khai trước quần chúng và nhân dân.

Chuyên đề