Xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng nông thôn mới

(BĐT) - Mặc dù xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng để có thể hoàn thành mục tiêu xử lý dứt điểm trước năm 2019, vẫn cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa.
Tính đến hết 30/11/2017, tổng số nợ xây dựng cơ bản thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn khoảng 5.142 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Tính đến hết 30/11/2017, tổng số nợ xây dựng cơ bản thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn khoảng 5.142 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều nguồn lực hỗ trợ các chương trình mục tiêu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017 đạt khoảng 269.561 tỷ đồng.

Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội, ngành ngân hàng đã thực hiện đầu tư tín dụng trên địa bàn các xã toàn quốc góp phần thúc đẩy thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn tín dụng huy động cho Chương trình năm 2017 đạt 158 nghìn tỷ đồng, chiếm 58,8% tổng nguồn vốn huy động được. Khu vực doanh nghiệp, nhân dân và cộng đồng cũng đóng góp được hơn 30 nghìn tỷ đồng cho Chương trình.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến hết 31/12/2017, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương của các địa phương đạt khoảng 80%.

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), là do công tác thẩm định vốn đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn lúng túng và chậm so với thời gian quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Điều này dẫn đến không đảm bảo về thời gian và thủ tục đầu tư hoặc không được duyệt chủ trương đầu tư, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như giải ngân nguồn vốn được giao.

Trong định hướng năm 2018, theo nhiều ý kiến, một trong những giải pháp quan trọng để thu hút thêm nguồn lực cho Chương trình là tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn, huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn; tăng cường áp dụng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch… 

Quyết liệt hơn trong xử lý nợ đọng

Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, về tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến hết 30/11/2017, tổng số nợ xây dựng cơ bản thực hiện Chương trình còn khoảng 5.142 tỷ đồng, giảm 10.076 tỷ đồng (tương đương 66%) so với tháng 1/2016, trong đó có 27 tỉnh, thành phố không có nợ xây dựng cơ bản. Đặc biệt, một số tỉnh, thành phố nằm trong 10 địa phương có số nợ lớn nhất cả nước vào thời điểm tháng 1/2017 như Bắc Ninh, Hải Dương, Bạc Liêu, Hà Nội đến nay đã hoàn toàn xử lý xong nợ.

Mặc dù kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số địa phương có nợ xây dựng cơ bản lớn, tiến độ xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong kế hoạch các năm 2016, 2017 chậm. Nếu như trong kế hoạch năm 2018 không thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn, các địa phương này khó hoàn thành mục tiêu xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản nông thôn mới trước năm 2019. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của cả nước trong thực hiện mục tiêu hoàn thành xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo yêu cầu của Quốc hội đặt ra.

Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý vốn đầu tư thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định về quản lý đầu tư công; quyết liệt trong việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, đặc biệt chú trọng xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương có dư nợ lớn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư