Xu hướng giảm lãi suất khó bị tỷ giá cản trở

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Có ý kiến cho rằng lãi suất có thể còn giảm nhưng không giảm quá sâu để tránh kích thích dòng tiền chuyển từ gửi tiết kiệm sang trữ đồng USD. Trên thực tế, đồng USD có xu hướng giảm giá trên thị trường quốc tế, nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào của Việt Nam tiếp tục được củng cố nhờ thặng dư thương mại ở mức cao là những yếu tố khiến việc nắm giữ USD chưa hẳn hấp dẫn.
Mặt bằng lãi suất vẫn có thể giảm tiếp, mức độ giảm phụ thuộc vào điều kiện của thị trường. Ảnh: Lê Tiên
Mặt bằng lãi suất vẫn có thể giảm tiếp, mức độ giảm phụ thuộc vào điều kiện của thị trường. Ảnh: Lê Tiên

Tiếp tục giảm lãi suất

Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND của các tổ chức tín dụng (TCTD) có xu hướng giảm. Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7 - 4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4 - 6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6 - 7,3%/năm. Lãi suất huy động USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 5%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3 - 6/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3 - 4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2 - 6%/năm.

Tạo điều kiện giảm nhanh hơn mặt bằng lãi suất là nội dung đáng chú ý tại công văn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng gửi các TCTD. Cụ thể, Thống đốc yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN bám sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để dự báo, đánh giá tình hình và kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp, đảm bảo thanh khoản thị trường, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ ổn định và tạo điều kiện giảm nhanh hơn mặt bằng lãi suất. Khẩn trương xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 đối với các TCTD đáp ứng tốt các tỷ lệ bảo đảm an toàn và có khả năng mở rộng tín dụng nhưng không làm tăng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN về tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương, thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới.

Vẫn còn dư địa

Phân tích về xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Tú Anh cho rằng, mặt bằng lãi suất giảm là xu hướng dễ hiểu bởi thanh khoản tại các TCTD đang dư thừa và nhu cầu tín dụng của thị trường ở mức thấp. “Dù vậy, khả năng lãi suất tiếp tục giảm còn chịu tác động bởi diễn biến giao dịch của tỷ giá USD/VND trên thị trường. Nếu lãi suất tiếp tục giảm đến mức độ mức sinh lợi từ kênh gửi tiết kiệm không cao, người dân có thể tính đến chuyện chuyển sang nắm giữ USD thay vì gửi tiết kiệm”, ông Tú Anh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ PVIAM cho rằng, vẫn còn dư địa để lãi suất tiếp tục giảm. Theo phân tích của ông Linh, tính từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm 100 điểm cơ bản và tốc độ giảm mạnh nhất diễn ra từ đầu tháng 5 đến nay với mức giảm khoảng 80 điểm cơ bản. Với điều kiện thị trường giá cả và nỗ lực kiểm soát lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng năm nay gần như chắc chắc ở mức dưới 4%. Do đó, vẫn còn khả năng để lãi suất giảm thêm và mức độ giảm còn phụ thuộc vào điều kiện của thị trường.

Về mối tương quan giữa lãi suất và tỷ giá, theo ông Linh, cán cân thanh toán đang thặng dư, cung cầu ngoại tệ ổn định, xuất siêu ở mức cao nên nhiều khả năng NHNN sẽ mua thêm USD để tăng dự trữ ngoại hối nhằm tiếp tục giữ ổn định tỷ giá. Như vậy, mặt bằng lãi suất huy động vẫn có thể giảm tiếp xuống 5,8%/năm với kỳ hạn 12 - 13 tháng. Đây cũng là ngưỡng đủ hấp dẫn để gửi tiết kiệm thay vì nắm giữ USD.

Số liệu từ NHNN cho biết, tỷ giá USD/VND gần như đi ngang từ đầu năm đến nay, hiện giá 1 USD mua vào - bán ra được các ngân hàng niêm yết phổ biến ở mức 23.090 - 23.270 VND.

Theo nhận xét của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tháng 7, tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cùng chung xu hướng giảm. Đáng chú ý, tỷ giá giao dịch tại các NHTM vào thời điểm cuối tháng 7 đã thấp hơn mức giá mua vào của Sở giao dịch NHNN. Diễn biến này có thể dẫn đến động thái mua vào ngoại tệ của NHNN, qua đó giúp tăng cường quỹ dự trữ ngoại hối.

Xu hướng hạ nhiệt của USD trên thị trường thế giới là nguyên nhân chính giúp tỷ giá USD/VND giảm trong tháng 7. So với cuối năm 2019, chỉ số USD Index vào cuối tháng 7 đã giảm 3%. Ngoài ra, việc Việt Nam duy trì trạng thái xuất siêu lớn (đạt hơn 8 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm) giúp nguồn cung USD được duy trì.

Chuyên đề