Bộ KH&ĐT đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nông thôn. Ảnh: Tiên Giang |
Thành quả này có đóng góp quan trọng của ngành kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) trong việc ban hành chính sách để các địa phương chủ động trong huy động vốn phát huy thế mạnh xây dựng NTM, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho NTM, xóa dần tư tưởng thụ động.
Ngày 25/6/2019, hơn 200 đại biểu cả nước đã về tỉnh Bến Tre để dự Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Ngành KH&ĐT và thống kê chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020 và đánh giá cơ chế phân bổ nguồn lực, sử dụng nguồn vốn ngân sách phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”.
Câu chuyện từ Hợp tác xã dừa Định Thủy
Trao đổi với đoàn công tác của Bộ KH&ĐT, đại diện Hợp tác xã (HTX) dừa Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) cho biết, nhờ những hướng dẫn, hỗ trợ của tỉnh Bến Tre, đặc biệt là Văn phòng điều phối xây dựng NTM, chỉ trong một thời gian ngắn, HTX đã có sự phát triển vượt bậc. “Trung bình mỗi ngày, chúng tôi tiêu thụ từ 10.000 - 12.000 trái dừa để sơ chế ra các thành phẩm cung cấp cho nhà máy. HTX đã tạo việc làm cho 40 bà con trong xã. Thu nhập trung bình là 5 triệu đồng/người/tháng. Trung tâm xúc tiến đầu tư, Văn phòng điều phối các cấp đã hỗ trợ cho HTX rất nhiều trong tiếp cận vốn ưu đãi, quảng bá sản phẩm”, đại diện HTX chia sẻ.
HTX đã lắp đặt mới máy tuốt chỉ sơ dừa, mụn dừa với kinh phí 1 tỷ đồng, trong đó 800 triệu đồng là vốn vay ưu đãi từ ngân hàng. Bà con xã viên rất yên tâm và cố gắng để đưa các sản phẩm của vùng ra với thị trường rộng lớn hơn.
54 tỷ USD cho xây dựng nông thôn mới
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu, trong 4 năm (2016 - 2019), tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM đạt 1,27 triệu tỷ đồng (tương đương 54 tỷ USD), cao hơn 50% so với 5 năm trước đó (2011 - 2015). Đây là kết quả vượt mong đợi. Để có được kết quả trên, Bộ KH&ĐT đã nhanh chóng, quyết liệt triển khai 36 nhiệm vụ cụ thể với 3 nhóm nội dung chính: xây dựng cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng NTM; chỉ đạo tuyên truyền phong trào thi đua; và xây dựng chỉ đạo điểm mô hình giúp các địa phương sớm đạt được các tiêu chí về NTM.
“Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế đặc thù cho hoạt động quản lý sử dụng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Theo đó, giúp thay đổi tư tưởng thụ động của các địa phương và bổ sung cơ chế đầu tư linh hoạt. Bộ KH&ĐT cũng ban hành nhiều thông tư khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho NTM. Đồng thời xây dựng cơ chế bổ sung phần thiếu hụt vốn đầu tư, cơ chế người dân hiến đất, không bồi thường… Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm như vậy, chi phí ngân sách nhà nước chỉ chiếm 50 - 60% so với cách làm thông thường”, Bộ KH&ĐT khẳng định.
Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tính đến tháng 9/2018, Bến Tre đã có 49,38% xã đạt chuẩn NTM. “Để nông thôn Bến Tre có được diện mạo mới như hôm nay, có công sức rất lớn của Bộ KH&ĐT luôn ủng hộ Bến Tre trong xây dựng NTM. Thời gian qua, Bến Tre đã huy động được nguồn vốn 12.400 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Đặc biệt, nhờ được hướng dẫn trong phân bổ vốn, huy động các nguồn lực nên Bến Tre chỉ dùng đến 36% vốn ngân sách nhà nước cho chương trình này”, ông Trọng thông tin.
Ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành KH&ĐT trong xây dựng NTM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Năm 2019, chúng ta sẽ có 50% số xã đạt chuẩn NTM, vượt kế hoạch 1 năm so với mục tiêu đề ra. Có được thành quả này nhờ nhiều vào việc Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách để các địa phương chủ động trong huy động vốn phát triển NTM đạt hiệu quả cao. Bộ KH&ĐT cũng đã tham mưu phân bổ vốn nhằm hỗ trợ cho các vùng kinh tế khó khăn. Chúng tôi đánh giá rất cao sáng kiến này của ngành KH&ĐT”.
Trong giai đoạn tiếp theo (2021 - 2025) của Chương trình xây dựng NTM, vai trò của Bộ KH&ĐT vẫn được đánh giá là rất quan trọng. Đây là giai đoạn đi vào chiều sâu, sau khi kết cấu hạ tầng đã hoàn thiện, cần hệ thống chính sách bền vững để nông thôn mới thực sự lấy người dân làm trung tâm trong phát triển.