Dự án xi măng Tân Thắng có công suất 5.000 tấn clinker/ngày, tương đương gần 2 triệu tấn xi măng/năm. |
Theo báo cáo từ Công ty CP Xi măng Tân Thắng, chủ đầu tư dự án, tại thời điểm này, chủ đầu tư đang cùng với địa phương hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng và trong giai đoạn nhà thầu nước ngoài thiết kế.
Dự kiến đến tháng 6/2016 sẽ thi công các hạng mục chính của nhà máy.
Dự án xi măng Tân Thắng có công suất 5.000 tấn clinker/ngày, tương đương gần 2 triệu tấn xi măng/năm, được đầu tư với tổng vốn 4.544 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của chủ đầu tư là 1.071 tỷ đồng, vốn vay giá trị tối đa 3.150 tỷ đồng.
Trước đó, để chuẩn bị cho việc triển khai dự án, Công ty CP Xi măng Tân Thắng đã ký ý hợp đồng gói thầu quốc tế EP “Thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và dịch vụ kỹ thuật” cho dự án.
Công ty đã lựa chọn được 5 nhà thầu cung cấp dây chuyền công nghệ, thiết bị đồng bộ, tiên tiến, hiện đại bậc nhất trên thế giới, tốt nhất trong nhóm các dự án xi măng có dây chuyền thiết bị xuất xứ EU, đồng bộ, chất lượng cao đang sản xuất kinh doanh có hiệu quả của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam với tổng giá trị hợp đồng 93,3 triệu USD.
Theo đó, Các nhà thầu Bedeschi (Italia) lô thầu số 1 cung cấp các thiết bị đập, vận chuyển và tồn trữ nguyên liệu; nhà thầu Thyssenkrupp Resource Tachnologies (Đức) lô thầu số 2 cung cấp thiết bị nghiền nguyên liệu, nghiền than, hệ thống tháp trao nhiệt, lò nung và làm nguội clinker; nhà thầu Loesche (Đức) lô thầu số 3 cung cấp các thiết bị định lượng và nghiền xi măng; nhà thầu Haver & Boecker (Đức) lô thầu số 4 cung cấp các thiết bị đóng bao và sản xuất xi măng; nhà thầu ABB (Thụy Sỹ) lô thầu số 5 cung cấp các thiết bị điện, đo lường điều khiển và tự động hóa cho dây chuyền.
Sản phẩm đầu ra của Dự án là Xi măng PCB50, PCB40 chất lượng cao. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là khu vực các tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Ngoài ra, 30% sản lượng sẽ được xuất khẩu sang thị trường Lào và một số thị trường khu vực.
Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất, đảm bảo để dự án có thể triển khai thông suốt là vốn thì chủ đầu tư đã lo xong. Trong đó, 2 ngân hàng, gồm: BIDV và BacABank cam kết tài trợ khoản vốn 3.150 tỷ đồng (trong đó BIDV đầu mối thu xếp 2.400 tỷ đồng, BacABank tài trợ 750 tỷ đồng).
Nhà máy xi măng Tân Thắng dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2017, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp.