Xây dựng quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Ưu tiên hàng đầu là tạo đột phá về hạ tầng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Hà Nội đề xuất nhiều điểm mới, có tính đột phá về định hướng phát triển. Trong các điểm đột phá, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh tới việc đột phá hạ tầng nên được coi là ưu tiên hàng đầu, giữ vai trò dẫn dắt các đột phá khác, bởi nguồn lực và động lực phát triển cũng từ đó mà ra.
Hà Nội cần ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại, khai thác mạnh không gian ngầm, đường sắt đô thị cùng các hình thức giao thông công cộng khác. Ảnh: Tiên Tuấn
Hà Nội cần ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại, khai thác mạnh không gian ngầm, đường sắt đô thị cùng các hình thức giao thông công cộng khác. Ảnh: Tiên Tuấn

Đề xuất nhiều điểm mới trong quy hoạch

Ngày 9/1, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đồng chủ trì Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong định hướng phát triển Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội chọn phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chú trọng 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn). Văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Hà Nội định hướng mở rộng không gian phát triển đô thị với việc hình thành một số cực tăng trưởng, vùng động lực phát triển mới, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh; phát triển tập trung theo khu vực, hành lang, hạn chế phát triển lan tỏa, tự phát giữa đô thị và nông thôn; phát triển vành đai đô thị đồng bộ, hiện đại theo mô hình TOD xung quanh đô thị lịch sử, đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm. Xây dựng mô hình “thành phố trực thuộc Thủ đô” xanh, thông minh, hiện đại, sáng tạo với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành các khu vực động lực phát triển của Thủ đô; lựa chọn địa bàn có lợi thế đặc thù về vị trí địa lý, văn hóa, lịch sử và tự nhiên để hình thành những khu vực phát triển đô thị với thể chế vượt trội, có cơ chế quản lý đặc thù nghiêm ngặt, kiến tạo không gian sống và làm việc hấp dẫn, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài nước xây dựng và phát triển Thủ đô. Hình thành các trung tâm chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế để tạo động lực cho các khu vực phát triển đô thị mở rộng. Các trung tâm cấp quốc gia nằm phía Nam sông Hồng, các trung tâm chức năng quốc tế nằm phía Bắc sông Hồng. Dự trữ không gian để phát triển các chức năng, trung tâm mới trong tương lai tại phía Tây và phía Bắc.

Hà Nội đặt ra mục tiêu phát triển cao hơn mức bình quân chung của cả nước, với tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP, GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD, diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 - 12 m2/người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%...

Cùng với đó, xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô là văn hóa và di sản; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bày tỏ quan điểm về định hướng phát triển của Hà Nội, TS. Cao Viết Sinh, chuyên gia cao cấp cho biết, với việc Dự thảo Quy hoạch lựa chọn kịch bản tăng trưởng 8,5 - 9,5% trong giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội đặt lên vai mình vị trí, vai trò là cực tăng trưởng của cả nước. Song, kịch bản này sẽ rất thách thức đối với Hà Nội, đòi hỏi mức tăng trưởng trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ phải từ 11 - 12%/năm. Do đó, phải tính toán kỹ động lực nào, đột phá nào giúp Hà Nội có thể đạt được khát vọng.

Hà Nội định hướng mở rộng không gian phát triển đô thị với việc hình thành một số cực tăng trưởng, vùng động lực phát triển mới, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh. Ảnh: Lê Tiên

Hà Nội định hướng mở rộng không gian phát triển đô thị với việc hình thành một số cực tăng trưởng, vùng động lực phát triển mới, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh. Ảnh: Lê Tiên

Ưu tiên đột phá về hạ tầng

Để hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng đặt ra, Hà Nội đề xuất 4 đột phá phát triển gồm: đột phá về thể chế và quản trị; đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.

Nêu quan điểm về điểm nghẽn hạ tầng đối với Hà Nội, TS. Cao Viết Sinh nhấn mạnh, điểm nghẽn hạ tầng lớn nhất của Thủ đô là giao thông, đặc biệt giao thông ngầm chậm phát triển. Với thực trạng như vậy, đột phá về hạ tầng của Hà Nội cần được xem xét, tính toán cụ thể hơn trong quy hoạch.

Đồng quan điểm, GS. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhận định, hạ tầng của Hà Nội, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một vấn đề lớn, nếu không có được tháo gỡ thì khó mà tính đến phát triển các vấn đề khác. GS. Lã Ngọc Khuê cho rằng, việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông buộc phải làm trước tiên và phải có định hướng rõ rệt, biện pháp rất cụ thể cho giao thông đô thị của Hà Nội thông thoáng. Vị chuyên gia này đề xuất nên thực hiện các khâu đột phá chiến lược trong thiết lập và vận hành mạng lưới giao thông đô thị, làm thế nào để chỉ tiêu sử dụng giao thông công cộng của Hà Nội trong thời gian tới đạt mức 50%, thay vì 28% như hiện nay.

Đồng thuận với quan điểm của các chuyên gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tới việc phải tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại, giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và khai thác mạnh không gian ngầm và đường sắt đô thị cùng với các hình thức giao thông công cộng khác, các đường vành đai… Trong đó, đề nghị Hà Nội nghiên cứu để phát triển hạ tầng phải được coi là đột phá ưu tiên hàng đầu, có vai trò dẫn dắt các đột phá khác, dẫn dắt cơ chế chính sách đi cùng. Nếu giải quyết được vấn đề hạ tầng thì sẽ giải quyết được đồng bộ rất nhiều vấn đề khác (giảm ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm…), từ đó có nguồn lực đưa Hà Nội trở thành thành phố văn minh hiện đại. “Khi đặt quyết tâm như vậy thì chúng ta sẽ có cơ chế mạnh để giải quyết vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Chuyên đề