Xây dựng Luật Thuế tài sản: Thu thuế bất động sản để hạn chế đầu cơ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 11/3/2022, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự án Luật Thuế tài sản để trình Quốc hội vào năm 2024 - 2025. Góp ý cho Dự án Luật Thuế tài sản, các chuyên gia cho rằng, trước mắt nên tập trung đánh thuế bất động sản. Cụ thể là xem xét đánh thuế nhà có giá trị cao và nâng mức thuế suất đối với đất.
Việc cải cách thuế bất động sản sẽ tạo ra công cụ ngăn chặn đầu cơ đất đai và góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Tiên Giang
Việc cải cách thuế bất động sản sẽ tạo ra công cụ ngăn chặn đầu cơ đất đai và góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước. Ảnh: Tiên Giang

Cần cải cách thuế bất động sản

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, tài sản được hiểu là nhà, đất, phương tiện giao thông như ô tô, xe máy, máy bay, kim cương, vàng… Tuy nhiên, trước mắt những tài sản mà Việt Nam nên tập trung thu thuế là bất động sản, gồm nhà và đất.

Trên thực tế, bất động sản ở Việt Nam lâu nay đã “cõng” nhiều nghĩa vụ về tài chính. Đó là khi được cấp đất thì người dân phải nộp tiền sử dụng đất, hàng năm phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, khi chuyển nhượng thì nộp thuế thu nhập từ chuyển nhượng…

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để xây dựng thành công Dự án Luật Thuế tài sản, chỉ cần cải cách thuế bất động sản. Khi đó, Luật Thuế tài sản sẽ là công cụ ngăn chặn đầu cơ đất đai và góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Rất nhiều nước trên thế giới đã có Luật Thuế tài sản từ vài chục năm nay. Ngay tại khu vực Đông Nam Á, các nước như Singapore, Thái Lan… đã có luật này. Còn Việt Nam quá chậm trễ đánh thuế nhà và áp dụng mức thuế với đất quá thấp khiến tình trạng hàng trăm biệt thự, nhà đất để không cả chục năm, gây lãng phí và làm méo mó thị trường bất động sản. Mặt khác, ngân sách nhà nước luôn phải xoay sở giải quyết bài toán tìm nguồn tài chính để phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng.

Về nguyên tắc cải cách thuế, ông Võ khuyến nghị không đánh thuế vào người nghèo, người có thu nhập thấp mà đánh vào người đầu cơ tích trữ. Do đó, đánh thuế đối với nhà thứ 2 trở lên và nhà có giá trị cao. Còn đối với đất, cần phải tăng thuế suất đối với đất phi nông nghiệp.

“Người có thu nhập thấp, khó khăn chủ yếu sống tại khu vực nông thôn và miền núi. Vậy hãy miễn thuế nhà đất cho khu vực này. Còn tại đô thị, nhất là khu vực nội đô, nơi có điều kiện hạ tầng thuận tiện với siêu thị, nhà hàng, bệnh viện, trường học… thì mức thuế thu phải cao để tương xứng với giá trị nhà đất tại đó. Điều này không chỉ bảo đảm công bằng giữa các đối tượng trong xã hội mà còn tăng nguồn lực để đầu tư hạ tầng, dịch vụ công cộng”, Giáo sư Đặng Hùng Võ góp ý.

Đánh thuế với nhà có giá trị cao

Đồng tình với việc cần thiết xây dựng và áp dụng Luật Thuế tài sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, cần đánh thuế đối với nhà thứ 2 trở đi theo nguyên tắc người có nhiều nhà thì phải đóng thuế nhiều hơn người có một nhà. Căn nhà thứ 3 phải đóng cao hơn căn thứ 2…

Người có thu nhập thấp, khó khăn chủ yếu sống tại khu vực nông thôn và miền núi. Vậy hãy miễn thuế nhà đất cho khu vực này. Còn tại đô thị, nhất là khu vực nội đô, nơi có điều kiện hạ tầng thuận tiện với siêu thị, nhà hàng, bệnh viện, trường học… thì mức thuế thu phải cao để tương xứng với giá trị nhà đất tại đó.

Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức đặt vấn đề, khi Nhà nước chưa có cơ sở dữ liệu về nhà đất, được hiểu là cơ quan quản lý về nhà, đất không biết được người dân đang sở hữu mấy căn nhà, mảnh đất thì làm sao có thể đánh thuế nhà thứ 2 trở lên. Do đó, căn cứ để đánh thuế là theo giá trị chứ không nên theo diện tích hay số lượng. Điều quan trọng cần tính toán ngưỡng giá trị nhà chịu thuế là bao nhiêu. Để không ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của phần đông người dân, ngưỡng tính thuế đối với nhà có giá trị nên xem xét mức trên 3 - 4 tỷ đồng.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng cần chia ra nhà ở đô thị và ở nông thôn. Với nhà ở đô thị, giá trị nhà chịu thuế là trên 2,5 tỷ đồng. Như vậy, những nhà từ 2,5 tỷ đồng trở xuống và nhà ở nông thôn (trừ biệt thự ở nông thôn, miền núi) sẽ không phải chịu thuế.

Trái ngược với quan điểm của nhiều ý kiến, TS. Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế cho rằng, trong năm nay và năm sau, việc xây dựng một loại thuế mới, nhất là thuế tài sản hoặc thuế nhà, đất là không phù hợp. Bởi nó sẽ gây tâm lý hoang mang, không cần thiết cho người dân. Thực tế, đại bộ phận người dân có đời sống vẫn hết sức khó khăn. Thu nhập của đa phần người lao động đã rất thấp, song 2 năm qua lại bị sụt giảm do chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Ông Tú cho rằng, nếu đánh thuế đối với nhà thì giá nhà sẽ tăng lên, khiến những người thu nhập thấp, chưa có nhà sẽ càng khó tiếp cận nhà ở hơn. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở là thiết yếu, quan trọng đối với bất cứ ai.

Do đó, Bộ Tài chính chỉ nên rà soát, nghiên cứu hết sức thận trọng để sửa đổi Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Hiện mức thu thuế này chỉ 0,03% là quá thấp. Bình quân mấy năm gần đây, số thu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của cả nước chỉ đạt khoảng 1.800 tỷ đồng/năm. Đất đai là tài sản của toàn dân. Nên ai sử dụng nhiều thì phải nộp thuế cao theo biểu lũy tiến để bảo đảm công bằng, tránh lãng phí tài nguyên. Những người đang ở biệt thự, villa, shophouse rộng vài trăm m2 đất thì phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cao hơn. Mức cụ thể về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là bao nhiêu đối với diện tích nào thì cần tính toán rất cẩn trọng.

Ông Tú đề xuất, sau năm 2025, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển trở lại, thu nhập và đời sống của người dân tạm ổn thì mới bàn đến việc đánh thuế đối với nhà và lộ trình áp dụng.

Chuyên đề