Xây dựng Luật Giá (sửa đổi): Đề xuất Chính phủ quy định danh mục Nhà nước định giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 18/11, Bộ Tài chính đã đề xuất 9 nhóm chính sách cần sửa đổi, bổ sung tại Tờ trình về đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi). Một trong những nội dung đó là thay đổi quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Năm 2020, Bộ Giáo dục Đào tạo Đề xuất đưa mặt hàng sách giáo khoa và danh mục Nhà nước định giá. Ảnh: Internet
Năm 2020, Bộ Giáo dục Đào tạo Đề xuất đưa mặt hàng sách giáo khoa và danh mục Nhà nước định giá. Ảnh: Internet

Theo Bộ Tài chính, Luật Giá 2012 có điểm hạn chế là, trong trường hợp phát sinh cần điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá phải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Việc này gây mất nhiều thời gian vì phải thực hiện theo quy trình; do đó, sẽ khó đáp ứng được mục tiêu quản lý phát sinh từ thực tiễn, chẳng hạn như đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá năm 2020.

Chủ trương của Luật Giá là quy định đúng và đủ danh mục các mặt hàng cần phải định giá nhà nước để đảm bảo tránh việc lạm dụng biện pháp điều tiết có tính can thiệp trực tiếp như định giá nhà nước. Đồng thời với việc quy định về danh mục là kèm theo đầy đủ các vấn đề về thẩm quyền (phân công, phân cấp), hình thức định giá, phương pháp định giá, quy trình định giá và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên trong thực tế khi xây dựng các luật chuyên ngành đã có những quy định liên quan đến biện pháp định giá nhà nước dẫn đến sự trùng lặp, mâu thuẫn, chồng chéo.

Tại một số luật chuyên ngành quy định thêm hàng hóa, dịch vụ cụ thể thực hiện định giá. Ví dụ như Luật Giao thông đường bộ bổ sung giá dịch vụ ra, vào bến xe do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định (Điều 83); Luật Đường sắt năm 2017 bổ sung giá dịch vụ vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt đô thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định (Điều 56, Điều 67); Luật Đấu giá tài sản năm 2016 bổ sung khung giá thù lao dịch vụ đấu giá tài sản do Bộ Tài chính quy định (Điều 78); Luật Quy hoạch bổ sung giá quy hoạch do Bộ Tài chính quy định. Không chỉ được bổ sung tại luật, một số hàng hóa, dịch vụ còn được bổ sung thực hiện định giá tại các nghị định, thông tư khác.

Việc các luật bổ sung thêm mặt hàng ngoài danh mục tại Luật Giá mặc dù đều xuất phát từ tính cấp thiết để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn trong quản lý nhà nước song cũng dẫn đến quy định trùng lặp, chồng chéo tại nhiều luật, thậm chí tại các nghị định, thông tư và đã hạn chế cho việc kiểm soát, theo dõi, tổng hợp. Mặt khác, trách nhiệm đầu mối kiểm soát, trình thay đổi danh mục được giao cho Bộ Tài chính (tại Nghị định hướng dẫn Luật) nhưng một số trường hợp chưa tuân thủ triệt để, chưa bảo đảm tiếp thu đầy đủ ý kiến về nội dung này.

Hàng hóa, dịch vụ được quy định bổ sung tại luật chuyên ngành chưa đảm bảo phù hợp các nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; thiếu các quy định đồng bộ về hình thức, thẩm quyền khi quy định bổ sung danh mục; chồng chéo trong quy định về thẩm quyền và hình thức định giá.

Tại một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành cũng quy định thẩm quyền định giá khi quy định thêm danh mục định giá; tuy nhiên cũng do chưa có nguyên tắc cụ thể về phân công nên đôi khi xảy ra tình trạng ấn định cơ quan thực hiện định giá mà chưa tính toán cụ thể về khả năng tổ chức thực hiện, thậm chí chồng chéo pháp luật.

Ví dụ như đối với mặt hàng nước sạch, tại Luật Giá và Nghị định 149/2016/NĐ-CP quy định Bộ Tài chính xác định khung giá nước sạch và hướng dẫn phương pháp định giá, song tại Nghị định 81/2017/NĐ-CP lại giao Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá nước sạch tại các khu đô thị.

Do đó, một trong những nội dung được đề xuất sửa đổi tại Tờ trình là Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Theo đó, giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết danh mục; đồng thời xây dựng các quy định để đảm bảo tính tuân thủ triệt để trong quy trình xem xét, thay đổi danh mục trong các trường hợp cần thiết.

Bộ Tài chính có vai trò đầu mối, tham mưu chung cho Chính phủ các vấn đề về nguyên tắc, danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và chỉ định giá một số hàng hóa, dịch vụ có liên quan đến ngân sách nhà nước; các bộ, ngành, địa phương có vai trò thực hiện định giá các mặt hàng cụ thể theo phân công, phân cấp của Chính phủ.

Chuyên đề