Xây dựng kế hoạch phát triển KTXH 2021 – 2025 vùng miền Trung, Tây Nguyên: Nhận diện thách thức, phát huy lợi thế, tiềm năng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 27/8/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 vùng miền Trung và vùng Tây Nguyên.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên

Đây là hội nghị thứ hai trong chuỗi 3 hội nghị về nội dung này được Bộ KH&ĐT tổ chức với 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mục đích để trao đổi, thảo luận về các định hướng, giải pháp, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Hội nghị tổ chức tại thời điểm hết sức quan trọng, với nhiều nhân tố tác động đến công tác kế hoạch như dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dịch chuyển giữa các dòng vốn đầu tư,.. đưa đến cả thách thức và cơ hội nếu biết tận dụng kịp thời. Trước bối cảnh hiện nay, Ngành KH&ĐT hơn lúc nào hết có vai trò, nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc tham mưu các cơ chế, chính sách và xây dựng kế hoạch, đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển của tỉnh, thành phố, các vùng và cả nước đạt kết quả cao nhất.

Bộ trưởng nhấn mạnh các địa phương nên đặt mục tiêu cao hơn, đưa ra những giải pháp táo bạo hơn, đột phá hơn, như vậy từng địa phương, từng vùng và cả nước mới có thể phát triển được. Nếu không sẽ khó thu hẹp được phát triển với thế giới. "Tư tưởng lập kế hoạch 5 tới phải tiếp cận như vậy. Đầu tư công cũng vậy phải tập trung nguồn lực cho những mục tiêu đó, chứ không phải dàn trải, băm nát ra", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên

Về cơ sở hạ tầng, đây là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế; kết cấu hạ tầng quy mô lớn đã được quan tâm đầu tư: có 9 cảng hàng không, trong đó có 5 cảng quốc tế; có 11/17 KKT ven biển, 1 trong 3 Khu công nghệ cao của cả nước; có cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, Nghi Sơn, Vũng Áng, Dung Quất, Vũng Rô, đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường thủy, hệ thống thông tin liên lạc khá đồng bộ…Theo Bộ KH&ĐT, Vùng miền Trung là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đóng vai trò chiến lược trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Với đường bờ biển dài, Vùng có tiềm năng rất lớn về phát triển công nghiệp nặng, dầu khí, vận tải biển, logistic, dịch vụ, du lịch biển, đảo, phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, khai thác năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Miền Trung còn là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập với thị trường quốc tế rất lớn.

Vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược thuộc Khu vực Tam giác phát triển Cam Pu Chia - Lào - Việt Nam. Vùng có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện - điện mặt trời, nông lâm nghiệp, chế biến nông lâm sản, du lịch…

Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, cả 2 vùng đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh “bình thường mới”. 2 vùng đều có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển nhưng động lực tăng trưởng hiện nay còn yếu, nhất là vùng miền Trung vẫn chưa khai thác được thế mạnh về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay sẵn có. Tổng GRDP của cả 2 vùng chỉ chiếm khoảng 17 - 18% cả nước (diện tích chiếm 45,3%, dân số chiếm 27% cả nước), GRDP bình quân đầu người vẫn thấp hơn khá nhiều so với bình quân chung cả nước.

Cả 2 vùng miền Trung và Tây Nguyên đều có nguy cơ thiếu nước ngọt và khô hạn ngày càng rõ rệt ảnh hưởng tới phát triển bền vững; sản xuất nông nghiệp vùng miền Trung và Tây Nguyên hiệu quả còn chưa cao; nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ chưa được chú trọng nên phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Công tác thu hút các nguồn vốn đầu tư còn chưa đạt yêu cầu. Số lượng và chất lượng dự án đầu tư nguồn vốn FDI vào vùng còn thấp, chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, các dự án đã thu hút được chủ yếu vừa và nhỏ; tỷ lệ lấp đầy các KKT, KCN còn thấp.

Liên kết vùng, liên kết ngành và lĩnh vực còn yếu; chất lượng nguồn nhân lực của 2 vùng còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; trình độ phát triển giữa các vùng trong một địa phương và giữa các địa phương còn không đồng đều.

Bộ KH&ĐT cho rằng, nhận diện khó khăn, hạn chế, Kế hoạch phát triển giai đoạn tới của hai vùng cần đề ra phương hướng giải quyết, nếu không sẽ trở thành những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của Vùng trong thời gian tới.

Bộ KH&ĐT đã tham mưu, đưa ra nhiều giải pháp cho các địa phương trong hai vùng.

Các địa phương Vùng Miền Trung cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch Vùng, Quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, trong đó lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm. Đưa vào quy hoạch xây dựng đường ven biển, xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, quy hoạch xây dựng phải đi trước, xác định biển là trung tâm để tính toán quy hoạch xây dựng đô thị ven biển. Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bắc - Nam và hệ thống đường ngang Đông - Tây kết nối liên thông các cảng biển và các tỉnh ven biển với vùng Tây Nguyên. Tập trung xây dựng các đô thị ven biển có điều kiện và lợi thế làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy phát triển và trở thành các trung tâm kinh tế của từng tiểu vùng. Phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên về lưu trữ và điều tiết nguồn nước ngọt.

Song song với đó, Vùng Miền Trung cần đổi mới, tăng cường cơ chế liên kết vùng. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại cho một số tỉnh, thành phố lớn, có vai trò làm đầu tàu kéo tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tiếp tục kiện toàn bộ máy vùng, trao đủ thực quyền ra quyết định cho Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung…

Các địa phương Vùng Tây Nguyên cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường tính chủ động, sáng tạo của lãnh đạo, quản lý; cải thiện môi trường đầu tư, có kế hoạch từng bước cải thiện các chỉ số đánh giá DCCI, PCI, PAPI của các địa phương trong Vùng. Tập trung huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, hạ tầng đô thị, công nghệ thông tin ... chú ý phát triển giao thông kết nối các cảng biển miền Trung và Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, tập trung đầu tư phát triển các công trình thủy lợi lớn, kênh dẫn kết nối, các hồ chứa nhằm đảm bảo nước tưới cho sản xuất. Đầu tư một số các trung tâm dịch vụ logistics, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế ... tại các thành phố, đô thị của Vùng, xây dựng Thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm Vùng Tây Nguyên...

Năm 2021, các địa phương trong Vùng Miền Trung đều đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 7%, trong đó có nhiều tỉnh tính toán tăng trưởng rất cao như Hà Tĩnh (10,95%), Thanh Hóa (9,4%), Nghệ An (10,37%); Quảng Ngãi (12,62%), Ninh Thuận (10%). Có hai tỉnh tính toán tăng trưởng bình quân 5 năm thấp là Quảng Nam là 6,5%, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định và Phú Yên đặt mục tiêu là 7%.

Vùng Tây Nguyên dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến tăng 7,6%.

Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương Vùng Miền Trung đều đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm cao trên 7%, trong đó có nhiều tỉnh tính toán tăng trưởng bình quân 5 năm đạt rất cao như Thanh Hòa 11%; Nghệ An 10,37%; Đà Nẵng 9 - 10%; Ninh Thuận 10 - 11%. Có hai tỉnh tính toán tăng trưởng bình quân 5 năm thấp là Quảng Nam là 6,5% và Quảng Ngãi là 6 - 7%.

Vùng Tây Nguyên dự kiến tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 7 - 8%. GRDP bình quân/người đến năm 2025 khoảng 85 triệu đồng.

Chuyên đề