Ảnh Internet |
Các chuyên gia của Goldman Sachs - dẫn đầu là nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius - cho biết, hiện có 35% khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ, cao hơn con số 25% được đưa ra trong dự báo trước đó. Theo các chuyên gia này, "sự không chắc chắn đã gia tăng trong ngắn hạn" xung quanh tác động từ rủi ro của các ngân hàng nhỏ.
Một ngày trước đó, Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2023 khoảng 0,3 điểm phần trăm xuống 1,2%.
Trong tuần qua, Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank đều đã đóng cửa và các tổ chức tài chính khác bao gồm First Republic và Credit Suisse đang phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn.
Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank lần lượt đánh dấu sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ hai và thứ ba trong lịch sử Mỹ, chỉ sau Washington Mutual trong cuộc khủng hoảng năm 2008.
Theo quan điểm của Goldman Sachs, sự sụp đổ trong hệ thống ngân hàng đã làm tăng nguy cơ suy thoái ngay cả khi thị trường dự báo các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn hoặc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 3.
Suy thoái kinh tế Mỹ có thể đến sớm hơn
Hôm 16/3, công cụ FedWatch của CME chỉ ra, các nhà giao dịch đang dự báo khoảng 25% cơ hội không tăng lãi suất vào tuần tới và khoảng 75% cơ hội tăng lãi suất 25 điểm cơ bản. Trước khi SVB sụp đổ, giới đầu tư cho rằng, Fed sẽ có một động thái tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản.
Theo Seema Shah, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại Principal Asset Management, cuộc khủng hoảng ngân hàng không quá gây ngạc nhiên cho thị trường do Fed đã thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm ngoái.
Trong khi đó, nhà đầu tư "Big Short" nổi tiếng Steve Eisman cảnh báo rằng, việc Fed tạm dừng chiến dịch thắt chặt chính sách cuối cùng sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán. "Nếu Fed sợ hãi, thì chúng ta cũng nên sợ hãi", ông cho biết.