Suy thoái kinh tế Mỹ có thể đến sớm hơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo CNBC, lợi suất trái phiếu kho bạc, giá dầu và cổ phiếu đều giảm mạnh với mức độ biến động ngày càng gia tăng - tất cả đều là những dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang lo sợ một cuộc suy thoái cận kề.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Chứng khoán toàn cầu đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch ngày 15/3 sau khi cổ phiếu ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse bị bán tháo mạnh. Điều này diễn ra ngay giữa lúc các thị trường đang trong tình cảnh bất an sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank tại Mỹ.

"Chúng ta đang chứng kiến các điều kiện tài chính bị thắt chặt đáng kể", người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô tại Morgan Stanley Investment Management Jim Caron nhận xét và cho biết, những diễn biến trên thị trường cho thấy rủi ro xảy ra suy thoái đang tăng lên.

Phố Wall đã nổ ra tranh luận về việc liệu nền kinh tế Mỹ có đang rơi vào suy thoái trong vài tháng nữa hay không và nhiều nhà kinh tế dự báo điều này sẽ xảy ra trong nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, những biến động nhanh và mạnh trên thị trường sau các vụ phá sản ngân hàng ở Mỹ khiến nhiều chiến lược gia dự báo rằng suy thoái kinh tế sẽ tới sớm hơn. Các nhà kinh tế cũng đang hạ thấp dự báo tăng trưởng dựa trên giả định hoạt động cho vay của các ngân hàng sẽ giảm sút.

"Theo ước tính rất sơ bộ của chúng tôi, khi các ngân hàng cỡ vừa giảm tốc độ tăng trưởng khoản vay, GDP của Mỹ có thể giảm 0,5 - 1 điểm phần trăm trong một hoặc hai năm tới. Diễn biến này phù hợp với quan điểm chung của chúng tôi là chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ đẩy Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2023", các nhà kinh tế của JPMorgan cho biết.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cố gắng hạ nhiệt tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường lao động để kiềm chế lạm phát trong suốt một năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 6% trong tháng 2 - con số vẫn cao dù đã "hạ nhiệt" so với các tháng trước đó. Tuy nhiên, sự sụp đổ của các ngân hàng gần đây đang khiến giới đầu tư lo ngại việc tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ kéo nền kinh tế đi xuống và việc Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ càng đẩy nhanh quá trình này.

Ông John Briggs, Trưởng bộ phận chiến lược kinh tế và thị trường toàn cầu tại NatWest Markets, nhận định: "Về dài hạn, tôi nghĩ thị trường đang làm đúng khi dự đoán Fed sẽ phải ngừng chiến dịch tăng lãi suất, nhưng tôi cũng không chắc liệu các quan chức có giảm lãi suất 100 điểm cơ bản không".

"Tín dụng là dầu bôi trơn của bộ máy kinh tế. Kể cả trong trường hợp cú sốc ngắn hạn được xoa dịu và chúng ta không lo ngại về các tổ chức tài chính, nhưng tâm lý lo ngại rủi ro sẽ hình thành và khiến hoạt động tín dụng trong nền kinh tế suy giảm", ông Briggs phân tích.

Theo ông, hệ quả từ việc hoạt động cho vay giảm xuống có thể là giảm phát hoặc ít nhất là một cú sốc giảm lạm phát.

"Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ được phục vụ bởi các ngân hàng khu vực. Sau vụ sụp đổ của SVB, các ngân hàng khu vực sẽ thận trọng hơn nhiều, dù tình hình của họ vẫn ổn", ông Briggs nhận xét.

Chuyên đề