Xả lớn ở cổ phiếu ngân hàng, thị trường lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
Cuộc chiến cung cầu dữ dội xuất hiện ở cổ phiếu VPB trong phiên hôm nay tiếp tục xác lập phiên giao dịch ngàn tỷ đồng ở mã này. Lực cầu chống đỡ khá tốt, nhưng bên bán vẫn chiến thắng...
VN-Index sụt giảm 0,6% phiên hôm nay nhờ VHM tăng cực tốt.
VN-Index sụt giảm 0,6% phiên hôm nay nhờ VHM tăng cực tốt.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu thép vẫn là tâm điểm chú ý của thị trường do thu hút dòng tiền quá lớn, cộng với xu hướng tăng mạnh mẽ. Rất đông nhà đầu tư “tham chiến” ở hai mặt trận này, nên nếu có thất bại, đây sẽ là nơi kẹt vốn nhiều nhất.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn nắm giữ 6/10 vị trí thanh khoản lớn nhất thị trường hôm nay. Riêng trong Top 5 thì có tới 4 mã ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng duy nhất trong Top 10 thanh khoản còn tăng giá là SHB bên sàn HNX.

Giao dịch lớn nhất thuộc về cổ phiếu VPB. Sau phiên thanh khoản kỷ lục lịch sử cuối tuần trước, hôm nay giao dịch ở mã này có phần giảm đi. Dù vậy tổng lượng khớp lệnh tại VPB vẫn lên tới gần 36,5 triệu cổ, trị giá 2.410 tỷ đồng.

VPB hút tiền là có lý do, giá đã tăng cực mạnh trong khoảng 15 phiên gần đây tới xấp xỉ 36% tính theo mức đóng cửa. Giai đoạn này cũng là lúc khối lượng giao dịch của VPB bùng nổ lên bình quân 27,1 triệu cổ mỗi ngày. Trước đó trong giai đoạn tháng 4/2021, khối lượng giao dịch bình quân chỉ khoảng 4,6 triệu cổ/ngày. Thậm chí trong nửa đầu tháng 5 lượng khớp cũng chỉ hơn 6,1 triệu cổ/phiên.

Giá càng lên, thanh khoản càng lớn hoặc ngược lại, đều là biểu hiện của sự hấp dẫn dòng tiền. VPB lại có thông tin hỗ trợ. Hôm nay là phiên đầu tiên của nhịp tăng dựng đứng với thanh khoản bùng nổ, giá quay đầu giảm trên 1%.

Gần 1 giờ đầu tiên của phiên hôm nay VPB tiếp tục chạy nước rút. Giá đạt đỉnh 67.400 đồng lúc 9h40, tăng 1,2% so với tham chiếu. Kể từ thời điểm này trở đi, VPB xuất hiện lực bán lớn đẩy giá giảm dần. VPB chạm đáy cuối phiên sáng, giảm 2,55% trước khi hồi lại một chút và đóng cửa thấp hơn tham chiếu 1,2%. Như vậy VPB vẫn giảm so với đỉnh của phiên khoảng 2,37%.

Giá thoát đáy cũng đồng nghĩa với lực cầu bắt đáy tạo hiệu quả nhất định. Dòng vốn trong nước là yếu tố quyết định lực kéo này, khi khối ngoại chỉ mua 1,5 triệu cổ trong khi bán ra tới gần 6 triệu cổ, tương đương 16,4% thanh khoản. Giá trị bán ròng tại VPB đạt 242,6 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng hầu hết là giảm trong phiên hôm nay và biến động khá giống VPB, tức là tăng trước giảm sau. Mức độ giảm so với tham chiếu tuy có khác nhau, nhưng biên độ giảm trong ngày là tương đối lớn. Ví dụ BID giảm 1,3% so với tham chiếu nhưng là giảm 2,8% so với đỉnh của phiên; CTG giảm 0,53% so với tham chiếu và giảm 1,8% so với đỉnh; HDB giảm 0,16% so với tham chiếu và giảm 2,4% so với đỉnh; MBB giảm 0,3% so với tham chiếu và giảm 1,8% so với đỉnh; STB giảm 1,7% so với tham chiếu và giảm 2,8% so với đỉnh; TCB giảm 1,64% so với tham chiếu và giảm 2,54% so với đỉnh...

SHB bên sàn HNX là mã ngân hàng khỏe nhất nếu tính theo mức tăng. Cổ phiếu này chốt trên tham chiếu 3,85%, nhưng cũng là giảm khoảng 4,81% so với đỉnh. SHB thanh khoản cực lớn với 50,1 triệu cổ phiếu trị giá 1.190 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng có ảnh hưởng khá lớn tới VN-Index hôm nay, khi đóng góp 4 mã trong 10 mã kéo điểm số xuống nhiều nhất. Gánh nặng chính của chỉ số phiên này là những trụ truyền thống: VNM giảm 2,57%, MSN giảm 3,61%, VIC giảm 1,04%.

Trong số này, VNM giảm mạnh nhất và đang là cổ phiếu nguy hiểm nhất. VNM kịch trần đúng 1 phiên ngày 10/5, thu hút rất nhiều nhà đầu tư bắt đáy. Khối lượng giao dịch hôm đó lên tới gần 8,2 triệu cổ, là phiên có khối lượng cao nhất kể từ cuối 2017. Tuy nhiên trừ số bắt đáy giá thấp, nếu ai đu giá cao thì ngay T+3 về đã có thể lỗ gần 2,7%. VNM giảm sâu liên tục sau đó và phiên này quay lại gần đáy. Nếu giảm thủng đáy, VNM sẽ là blue-chips tạo bull-trap cay đắng nhất tháng 5!

Độ rộng của rổ VN30 phiên này chỉ là 8 mã tăng/22 mã giảm, phản ánh một diễn biến đảo chiều tiêu cực vì ngay đầu phiên, số lượng mã tăng tới 29 cổ phiếu. Dù vậy điều may mắn là VHM tăng cực mạnh 3,7% cùng với NVL tăng 2,61% đã giảm xóc phần nào. Đặc biệt VHM tăng mạnh gần như bù lại được cho cả 3 mã giảm sâu nhất là VNM, MSN và VIC. Phần điểm số còn lại mất đi chủ yếu là do số lượng mã giảm quá áp đảo.

Độ rộng chung của sàn HSX cũng không khá hơn là mấy, với 278 mã giảm/141 mã tăng. Số ít đi ngược dòng khá ấn tượng như HQC tăng kịch trần với 27,2 triệu cổ khớp; SHI tăng 6,41%; TDH tăng 5,57%; GMD tăng 5,04%; DLG tăng 4,2%...

Mặc dù có cổ phiếu ngược dòng nhưng nhìn chung áp lực giảm giá gây thiệt hại lớn hơn. Sàn này chốt phiên với gần 100 mã giảm trên 2% và gần 45 mã khác giảm trên 1%.

Thanh khoản hôm nay duy trì khá lớn với 20.779 tỷ đồng khớp lệnh sàn HSX, tăng 2,4% so với phiên trước và 2.735 tỷ đồng sàn HNX, giảm hơn 6%. Đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài lại rút ròng 1.037,5 tỷ đồng ở sàn HSX, khoảng 39 tỷ đồng ở sàn HNX. Ngay trong phiên sáng khối ngoại đã bán ròng 500 tỷ đồng. VPB, VIC, VNM, HPG, CTG, MBB, MSN, PLX, VCB là những mã bị bán ròng lớn nhất, đều trên 50 tỷ đồng tới cả trăm tỷ đồng. Ngoài ra là GAS, STB, HCM, LPB, BID, NLG, NVL, VRE... Riêng cổ phiếu trong nhóm VN30 bị bán ròng tới 904 tỷ đồng. Phía mua chỉ có FPT, VHM là đáng kể.

Chuyên đề