Thu ngân sách nhà nước từ khu vực ngoài quốc doanh năm 2018 tăng 15,8% so với năm 2017. Ảnh: Lê Tiên |
Tính bền vững ngân sách được cải thiện
Thu NSNN năm 2018 tiếp tục ghi nhận những điểm tích cực với tổng thu vượt 7,8% so với dự toán. Đáng chú ý, thu nội địa vượt 4,5% dự toán và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng thu NSNN tăng cao và thu nội địa vượt dự toán phần nào được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm qua, góp phần củng cố tính bền vững của NSNN.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thu NSNN năm 2018 cho thấy cơ cấu thu ngân sách của chúng ta ngày càng bền vững hơn. Tỷ trọng thu nội địa năm 2018 chiếm 81% tổng thu NSNN, cao hơn mức 68% bình quân giai đoạn 2011 - 2015. Thu NSNN đã giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu.
Dù chưa đạt so với dự toán đề ra, nhưng số thu NSNN từ 3 khu vực kinh tế năm 2018 đã có mức tăng trưởng khá so với năm 2017. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tăng 4%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 8,8%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh tăng 15,8%. Tính chung cả 3 khu vực tăng khoảng 10%.
“Như vậy, chúng ta thấy rằng thu ngân sách từ khu vực kinh tế khá phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế, góp phần vào việc nâng cao tính bền vững của NSNN”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019, Bộ Tài chính cho biết, sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các vấn đề quan trọng. Trong đó có điều hành chính sách tài khoá chặt chẽ, đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ, vĩ mô, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thuế theo hướng mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, chống chuyển giá. Ngành tài chính đặt mục tiêu phấn đấu tăng thu khoảng 5% so với dự toán và đạt tỷ lệ động viên ở mức 23,5% GDP.
Minh bạch để tránh tình trạng vừa lạm thu vừa thất thu
Đánh giá tích cực về số thu NSNN năm nay, song ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc ngành tài chính tiếp tục đặt mục tiêu tăng thu NSNN trong năm 2019 có thể tự làm khó cho chính mình và phần nào khiến doanh nghiệp quan ngại.
“Với mục tiêu vượt thu, ngành tài chính sẽ phải tìm các nguồn để tăng thu và điều này là không dễ dàng. Với doanh nghiệp, chủ trương tăng thu NSNN cũng có thể dẫn đến việc sẽ có thêm một số chính sách buộc doanh nghiệp phải tốn thêm tiền cho NSNN”, ông Dương nói.
Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2018 của CIEM nhận xét, điều hành tài khóa năm 2018 có điểm tích cực lớn nhất là không “vội vàng” theo hướng nới lỏng, mà vẫn hướng hơn đến phối hợp với chính sách tiền tệ để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời duy trì dư địa để ứng phó nếu có thêm diễn biến bất lợi sau này. Tuy nhiên, những điểm hạn chế đáng chú ý trong công tác điều hành tài khóa, theo CIEM, là biểu hiện “thành tích” trong việc cố gắng vượt chỉ tiêu thu NSNN và việc giải trình về sử dụng nguồn thu NSNN, đặc biệt là các sắc thuế gắn với mục tiêu cụ thể, còn chưa thực sự đầy đủ và hợp lý.
Từ những hạn chế đó, CIEM khuyến nghị năm 2019, cần nghiêm túc cân nhắc không bổ sung hoặc tăng các loại thuế và phí đối với xăng dầu để tạo thêm lợi ích và hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của khu vực tư nhân. Đẩy mạnh giảm bội chi ngân sách dựa nhiều hơn nữa vào tăng thu ngân sách qua chống thất thu thuế.
Từ góc độ cơ quan nghiên cứu, TS. Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, để đảm bảo tăng thu NSNN lành mạnh cần chống thất thu mà không lạm thu. “Nên xem xét và rà soát chặt chẽ để tránh những chính sách gây ra tình trạng thuế chồng thuế. Mặt khác, cần thực thi những giải pháp mở rộng cơ sở thuế, minh bạch và công bằng trong thu thuế để chống thất thu NSNN”, ông Đức Anh nhấn mạnh.