Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng các đại biểu tham quan dây chuyền sản xuất của Nhà máy Hanwha Aero Engines tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Lê Tiên |
Vượt khó khăn để đạt thành quả tích cực
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm 2018 tăng 7,08%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động; năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017, cao hơn nhiều mức tăng 5,29% của năm 2016 và xấp xỉ mức tăng 6,02% của năm 2017 do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2018 tăng cao.
Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017 và 5,97 năm 2018, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 hệ số ICOR ở mức 6,17, thấp hơn so với mức 6,25 của giai đoạn 2011 - 2015.
Tại Phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 28/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong những năm vừa qua, chúng ta đã từng đứng trước những hoàn cảnh rất khó khăn, không nằm trong các kịch bản đã dự đoán song chúng ta vẫn vượt qua.
Kể từ năm 2008 tới nay, lần đầu trong 10 năm nền kinh tế nước ta không chỉ đạt mục tiêu tăng trưởng mà còn vượt 0,38%, xuất siêu ở mức hơn 7 tỷ USD – cao gấp 3 lần so với mức xuất siêu của năm 2017. “Chúng ta đã có hai năm vàng son về xuất khẩu. Kết quả này càng có ý nghĩa trong bối cảnh xung đột Mỹ - Trung đang diễn ra. Điều đó cho thấy, hành trình vượt qua gian truân để đạt được những kết quả tích cực như vậy là vô cùng ý nghĩa. Những thành quả này cũng là động lực quan trọng để thêm quyết tâm thực hiện những mục tiêu năm 2019”, Thủ tướng nói.
Tăng trưởng nhanh và bền vững
Với bước tiến về mọi mặt của nền kinh tế trong năm qua, Thủ tướng phát biểu: “Tôi muốn nhấn mạnh là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm giải quyết các vấn đề lớn của đất nước từ chống tham nhũng đến các vấn đề về môi trường, miền núi, nông thôn chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này. Chúng tôi thấy được ánh mắt nụ cười niềm tin của người dân, của doanh nghiệp. Điều này thêm một lần nữa khẳng định con đường chúng ta lựa chọn là đúng và phù hợp. Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần tìm giải pháp mạnh mẽ để khơi thông hoạt động của mọi nguồn lực để phục vụ cho phát triển, khắc phục nhanh sự chậm trễ trong xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện. Không thể đổ lỗi cho cơ chế chính sách vì thể chế pháp lý do cán bộ công chức làm ra. Làm sao để cả hệ thống chủ động phục vụ và cơ bản giải quyết được tình trạng trên nóng dưới lạnh mà người dân còn phàn nàn”.
Mặt khác, theo Thủ tướng, chúng ta phải tích cực tìm kiếm động lực tăng trưởng mới từ ứng dụng công nghệ mới. Mô hình tăng trưởng cần dựa nhiều vào năng suất lao động qua việc thúc đẩy công nghệ số. Ta không chỉ cải thiện hạ tầng cứng mà còn phải gắn dữ liệu và sức mạnh sáng tạo. Đánh giá lại toàn bộ thực trạng tiềm năng của các ngành chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới.
Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định quan điểm: “Chúng ta sẽ không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả hai, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững”.
3 nhóm vấn đề năm 2019
Trong năm 2019, Thủ tướng cho biết, ông sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại một số vấn đề. Đó là cách tư duy và hình thành chính sách phát triển do Chính phủ đề xuất. Những yếu kém cố hữu của nền kinh tế khó sửa, cách thức khắc phục những dự án thua lỗ kéo dài, trong đó, phải chỉ ra cho được những giá trị kế thừa và những bài học kinh nghiệm lớn cần tiếp tục được nhận thức và chỉnh đốn một cách nghiêm túc.
Thứ hai, những khía cạnh quản trị của Chính phủ, những mục tiêu như Chính phủ điện tử, Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính… khó đi vào thực tiễn nếu chúng ta không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn.
Thứ ba, đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển.
GS. Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam
10 năm gần đây, dù gặp nhiều khó khăn song nhờ thực hiện các chủ trương và giải pháp đúng đắn nên nền kinh tế đã từng bước được khôi phục và phát triển tích cực, đạt thành tích cao nhất trong năm nay.
Về đà tăng trưởng trong năm 2019 và những năm tiếp theo, theo tôi, các chỉ tiêu vừa phải được Quốc hội đặt ra cho giai đoạn tới là hợp lý. Bởi vì, chúng ta đã trải qua giai đoạn tăng trưởng cao trong một thời gian tương đối dài, nhờ đó, tổng quy mô của nền kinh tế đã ở mức khá lớn, trên 200 tỷ USD. Như vậy, việc đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng cao là khó khả thi, nếu không có những chủ trương và giải pháp đột phá về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Hay nói một cách đơn giản, quy mô của 1% tăng trưởng hiện nay đã lớn hơn nhiều so với giai đoạn trước. Mặt khác, chúng ta cũng vẫn còn một số khó khăn nhất định và cả những rủi ro mới trong việc mở rộng thị trường, nâng cao năng suất lao động, cải thiện hiệu quả đầu tư... thích ứng với điều kiện cạnh tranh trong hội nhập và đổi mới sáng tạo. Những chủ trương và giải pháp của Chính phủ vừa qua cũng chỉ rõ các nội dung này với mục tiêu phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế của các địa phương, các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân trong nước còn dư địa lớn.
Việc đưa ra dự báo về kinh tế năm 2019 là rất quan trọng để tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới, song quan trọng hơn là cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn phát triển tiếp theo về cả năng lực tận dụng cơ hội lẫn việc đối phó với các rủi ro của nền kinh tế. Nếu chúng ta chuẩn bị kỹ mà rủi ro không xảy ra thì càng củng cố được nội lực. Tức là, không hẳn nói đến rủi ro để lo ngại, thay vào đó, khi đang ở trên đà thắng lợi, ta càng cần chuẩn bị chu đáo để bảo vệ và phát huy những thành quả đã đạt được với quan điểm tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới thể chế để tạo điều kiện phát triển bền vững, dài hạn. Một lần nữa xin nhấn mạnh, cần khẳng định vai trò động lực chủ yếu đối với phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hiện chiếm 70% nền kinh tế, trong đó tư nhân trong nước chiếm một nửa nền kinh tế.
Việc đổi mới tư duy, đổi mới thể chế là không đơn giản nhưng tôi tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, điều này sẽ được tiếp tục thực hiện tốt trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam (FUV)
Các chỉ báo của kinh tế Việt Nam năm 2018 đều tích cực hơn các năm trước song vẫn còn một số điểm cần xem xét.
Tăng trưởng kinh tế đã đạt mốc cao nhất trong 10 năm qua với điểm nhấn đáng chú ý là chuyển biến về động lực tăng trưởng từ những ngành sản xuất để xuất khẩu như điện thoại di động, thiết bị điện tử viễn thông trong các năm trước sang các ngành thay thế nhập khẩu như sản xuất ô tô, dược phẩm. Đặc biệt, lĩnh vực chế biến chế tạo có vai trò ngày càng rõ nét hơn trong tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bên cạnh đó, về phía cầu của nền kinh tế, năm 2018 là năm mà tăng trưởng kinh tế đạt mức cao trong khi tăng trưởng tín dụng không cao, chỉ ở mức dưới 14%.
Điểm băn khoăn của nền kinh tế là dù tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng, đầu tư của khu vực tư nhân cũng tăng, tuy nhiên, đầu tư dài hạn của khu vực doanh nghiệp vẫn chưa cải thiện đáng kể, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về đầu tư công, việc đẩy mạnh đầu tư là cần thiết nhưng cần thực hiện song song với việc cải thiện hiệu quả đầu tư, nếu không, động lực tăng trưởng của năm 2019 - 2020 sẽ gặp một số trở ngại.