Các bị cáo trong vụ án đã lợi dụng chính sách rượu, bia xuất khẩu không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt để tiêu thụ rượu, bia xuất khẩu ở trong nước nhằm trốn thuế. Ảnh: Tường Lâm |
Trốn thuế tiêu thụ rượu, bia xuất khẩu
Liên quan đến vụ án, trước đó, Tòa án đã nhiều lần mở phiên tòa và cũng nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ nhiều tình tiết của vụ án. Tại phiên tòa lần này, bị cáo Hồ Văn Hải, nguyên Giám đốc Halico tiếp tục kêu oan và khẳng định không hề tham gia bàn bạc, ăn chia trong khoản hưởng lợi từ việc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Lân lấy bia Hà Nội dành riêng cho xuất khẩu bán ở trong nước. Bị cáo Hồ Văn Hải cũng khẳng định đã làm đúng các quy trình, quy định nội bộ của Công ty và không hề lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Theo hồ sơ truy tố, sản phẩm rượu, bia bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất cao tùy thời điểm, có lúc lên tới 45%. Nhưng để khuyến khích xuất khẩu thì các mặt hàng rượu, bia xuất khẩu không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Các bị cáo trong vụ án đã lợi dụng chính sách này để tiêu thụ rượu, bia xuất khẩu ở trong nước, trốn thuế tiêu thụ đặc biệt. Quá trình hoàn thiện các hồ sơ, chứng từ, một cán bộ hải quan đã tiếp tay cho các bị cáo.
Hành vi buôn bán rượu, bia xuất khẩu này xảy ra trong 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, vào khoảng năm 2008, Công ty Hoàng Lân, do vợ chồng Hoàng Văn Xưởng thành lập, đã ký hợp đồng mua rượu để xuất khẩu với Halico. Từ ngày 17/12 - 30/12/2008, Halico đã cung cấp cho Công ty Hoàng Lân 5.070 thùng rượu vodka để xuất khẩu sang Lào. Sau đó, vợ chồng Xưởng không thực hiện đúng cam kết xuất khẩu sang Lào mà bán rượu tại Hà Nội để hưởng lợi nhuận cao.
Tháng 9/2009, khi kiểm tra thị trường, Nguyễn Thị Quỳnh Trang, cán bộ Halico phát hiện Công ty Hoàng Lân bán rượu xuất khẩu trong nước. Biết chuyện, Trang thỏa thuận chia một phần lợi nhuận với vợ chồng Xưởng. Khi một số đại lý rượu trong nước phát hiện và phản đối, việc này dừng lại.
Nhưng sau một thời gian, Halico tiếp tục ký hợp đồng với Công ty Hoàng Lân. Khi vodka xuất khẩu xuất hiện trở lại trên thị trường, các đại lý tiếp tục phản ứng dữ dội. Để giải quyết, Xưởng đã xin ý kiến Hồ Văn Hải và sau đó gặp Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Phát triển thị trường và Nguyễn Thị Quỳnh Trang bàn giải pháp. Nhóm này thống nhất Trang và một người nữa lo thủ tục giấy tờ xuất khẩu và được chia 7.500 đồng/thùng rượu xuất khẩu. Xưởng tìm mối tiêu thụ và chia hoa hồng cho Hồ Văn Hải. Nguyễn Hồng Tiến chịu trách nhiệm quan hệ với các phòng, ban của Halico để giải quyết các vướng mắc nếu có khiếu nại của đại lý khác và được chia 22.000 đồng/thùng.
Đến nay, Nguyễn Hồng Tiến đã được đình chỉ điều tra về tội trốn thuế.
Cựu Giám đốc kêu oan
Tại Phiên tòa, bị cáo Hồ Văn Hải đã kêu oan cho rằng bị cáo không thỏa thuận hay bàn bạc gì với bị cáo Xưởng, Trang và Nguyễn Hồng Tiến. Theo trình bày của bị cáo Hải, khi nghe phản ánh có hiện tượng hàng xuất khẩu ở trong nước, bị cáo đã yêu cầu tạm dừng hợp đồng với các công ty đang ký để xác minh xem công ty nào làm việc này. Nguyễn Hồng Tiến đã báo cáo với bị cáo là do rượu xuất khẩu không có ký hiệu riêng nên rất khó xác minh. Lúc đó, Halico bán hàng xuất khẩu cho 18 nước.
Khi Công ty Hoàng Lân xin ký lại hợp đồng, Halico đã tổ chức họp để xem xét quyết định có ký lại hay không và nếu ký lại thì phải có biện pháp kiểm soát như thế nào. Sau đó Công ty đã bổ sung thêm Quy chế cũng như biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa phân biệt hàng bán trong nước và hàng xuất khẩu bằng cách đánh dấu riêng sản phẩm xuất khẩu.
Theo bị cáo Hải, trong một cuộc họp với các đại lý, có đại lý phản ánh tình trạng hàng xuất khẩu bán trong nước, bị cáo đã đề nghị chủ đại lý mua giúp xem có đúng như vậy không. Chủ đại lý đã mua 2 thùng rượu đến và kiểm tra ngay tại cuộc họp thì đúng là rượu xuất khẩu. Ngay sau đó, bị cáo đã yêu cầu dừng hợp đồng với Công ty Hoàng Lân.
Tại Phiên tòa, các bị cáo Trang và Xưởng cũng thừa nhận không bàn bạc, thỏa thuận gì với bị cáo Hồ Văn Hải trong việc bán hàng xuất khẩu trong nước. Cũng không chia chác gì với bị cáo Hải.