Bỏ lọt tội phạm trong vụ án trốn thuế tại Công ty Halico?

Vụ án “Trốn thuế” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” ở Cty CP Cồn rượu Hà Nội (Halico) được đưa ra xét xử ngày 28/4 vừa qua. Trước nhiều tình tiết mới phát sinh, cần được làm rõ để tránh oan sai, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thay đổi tội danh đối với bị cáo Hồ Văn Hải và Nguyễn Thị Kim Hạnh…
Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa

Ngay đầu buổi xử án, sau khi làm thủ tục xác nhận lý lịch đối với các bị cáo, khi được HĐXX hỏi, các luật sư tham gia phiên tòa cùng nêu ý kiến: “Trong vụ án này, ông Nguyễn Hồng Tiến có vai trò rất quan trọng, đề nghị Tòa triệu tập Nguyễn Hồng Tiến để làm rõ một số nội dung liên quan như trong cáo trạng đã nêu”.

Luận tội chưa đúng bản chất?

Vào phần thẩm vấn, bị cáo Hồ Văn Hải - nguyên Giám đốc Cty Halico - đã cho rằng “Phần luận tội trong cáo trạng không đúng với bản chất sự việc và không đúng đối với tôi”. Đồng tình với bị cáo Hải, bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh Trang - chuyên viên Phòng phát triển thị trường Halico – một lần nữa khai nhận trước Tòa: “Bị cáo không trao đổi, bàn bạc gì với sếp Hải về việc bán hàng trong nước. Bị cáo chỉ biết là anh Xưởng bán hàng trong nước khi container rỗng bị bắt”.

Về việc cáo trạng nêu bị cáo Trang có đưa cho bị cáo Hải 100 triệu đồng, nói là tiền bán hàng trong nước cũng không đúng vì khi “bị cáo đưa cho sếp Hải 200 triệu đồng thì chỉ nói là “của đối tác làm ăn được gửi biếu chú”.

Tòa hỏi bị cáo Xưởng- Giám đốc Cty TNHH thương mại và dịch vụ Hoàng Lân– bị cáo khai có biết việcgiá rượu xuất khẩu và trong nước chênh nhau khoảng 20% nhưng “không bàn bạc, trao đổi với anh Hải bao giờ”.

Bị cáo Xưởng khai rành rọt: “Khi về Việt Nam, anh Tiến (Nguyễn Hồng Tiến – Phó phòng Phát triển thị trường của Halico – PV) hẹn gặp bị cáo ở quán cà phê Cầu Giấy, yêu cầu mỗi thùng hàng phải trích lại cho anh Tiến 24.000 đồng/thùng. Sau đó, bị cáo và anh Tiến, Trang gặp nhau ở quán cà phê 84 Lò Đúc thống nhất, mỗi đơn hàng xuất khẩu, bị cáo chi cho Trang 7.500 đồng/thùng, chi cho anh Tiến 22.000 đồng/thùng. Trang cùng Hoa lo thủ tục, giấy tờ xuất khẩu, còn anh Tiến chịu trách nhiệm quan hệ với các phòng ban của Công ty để giải quyết các vướng mắc (nếu có) trong trường hợp các đại lý khác phát hiện và khiếu nại. Việc này anh Hải hoàn toàn không biết”. “Bị cáo không trao đổi, bàn bạc với anh Hải về việc mượn pháp nhân của Công ty để xuất hàng”, bị cáo Xưởng nói thêm.

Phải điều tra thêm

Theo bị cáo Hồ Văn Hải, rượu xuất khẩu có giá thấp hơn rượu bán trong nước vì không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Từ năm 2008 đến năm 2009, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu dưới 40 độ là 30%; từ năm 2010, thuế tiêu thụ đặc biệt là 45%.

Khi Công ty Hoàng Lân đề nghị được mua rượu xuất khẩu và ký lại hợp đồng, bị cáo Hải đã yêu cầu Công ty Hoàng Lân phải cam kết không bán hàng trong nước, đồng thời mở một cuộc họp với ban lãnh đạo Công ty và phòng Phát triển thị trường để xem xét về việc có ký lại hợp đồng với Công ty Hoàng Lân hay không. Hồ Văn Hải cũng đã giao cho Nguyễn Hồng Tiến báo cáo trước cuộc họp biện pháp ngăn chặn để không cho hàng xuất khẩu quay lại bán trong nước, cũng như giao nhiệm vụ cho các phòng ban giám sát về việc này.

Tuy nhiên, “Nguyễn Hồng Tiến là phó phòng phụ trách phòng PTTT, là người chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ bán hàng trên cơ sở hồ sơ và hợp đồng do nhân viên soạn thảo và ký nháy trước khi trình Giám đốc ký nhưng Nguyễn Hồng Tiến chưa bao giờ trao đổi hay báo cáo với bị cáo về việc bán hàng trong nước.- bị cáo Hồ Văn Hải xác nhận.

Tháng 4/2010, có 2 công ty cùng tham gia bán hàng xuất khẩu sang Lào là Hoàng Lân và Hoàng Phương. Khi có phản ánh có hàng xuất khẩu sang Lào bán trong nước, Giám đốc Halico đã chấm dứt hợp đồng với cả 2 công ty; trong đó, Cty Hoàng Phương là do Nguyễn Hồng Tiến giới thiệu, có chữ ký nháy chịu trách nhiệm trong các tài liệu liên quan của các hợp đồng.

Tháng 8/2012, đoàn kiểm tra của Halico bao gồm Chủ tịch HĐQT – ông Hoàng Nguyện, Phó giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng Công ty – Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng ban kiểm soát – ông Nghiêm Chí Minh, Phó phòng PTTT – ông Nguyễn Hồng Tiến sang Lào kiểm tra thị trường, kiểm tra văn phòng đại diện. Trong biên bản báo cáo có nêu: “Có sản phẩm bán tại thị trường Lào nhưng độ phủ không được 80% như trưởng văn phòng đại diện đã báo cáo”. Vì vậy, Giám đốc Halico yên tâm cho xuất tiếp đơn hàng thứ hai vào tháng 9/2012.

Tuy nhiên, bằng cách làm giả 8 tờ khai xuất khẩu; nâng khống số lượng rượu xuất khẩu và làm giả hợp đồng xuất khẩu rượu với DNTN tại Lào và sau đó chuyển về Việt Nam, Cty Hoàng Lân đã tiêu thụ trong nước hơn 48.000 thùng rượu Vodka các loại và trên 22 nghìn thùng bia lon Hà Nội, chiếm đoạt tổng cộng hơn 13 tỉ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.

Sau 1 ngày xét xử, do xuất hiện một số tình tiết chưa được làm rõ, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc tiến trình giải quyết vụ án này.        

Chuyên đề