VRDF 2019: Nâng tầm đối thoại chính sách về cải cách, phát triển

(BĐT) - Thay vì tổ chức vào tháng 12, Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) 2019 được tổ chức sớm hơn, diễn ra vào ngày 19/9 tới. Đây là thời điểm rất có ý nghĩa vì Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Tư tưởng xuyên suốt trong chủ đề của mỗi kỳ Diễn đàn VRDF là “Cải cách” và “Phát triển”. Ảnh: Lê Tiên
Tư tưởng xuyên suốt trong chủ đề của mỗi kỳ Diễn đàn VRDF là “Cải cách” và “Phát triển”. Ảnh: Lê Tiên

Những thảo luận, khuyến nghị, chia sẻ, kinh nghiệm từ Diễn đàn sẽ là nguồn tham khảo giá trị cho các bản kế hoạch, chiến lược phát triển giai đoạn tới, từ đó có những giải pháp tiếp tục hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc.

Bước tiến từ CG đến VRDF

VRDF lần đầu được tổ chức vào ngày 5/12/2018, kế thừa Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF), Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức thường niên trong suốt 26 năm qua.

Kể từ khi Hội nghị CG đầu tiên tổ chức ở Paris năm 1993 đến nay, Việt Nam đã đạt được những bước tiến dài, từ một nước nghèo, chậm phát triển với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 58%, nay đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp. Và đến thời điểm này, Việt Nam đang trên hành trình hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2035. Trong hành trình phát triển này, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng đối tác phát triển, không chỉ hỗ trợ về tài chính mà còn cả kinh nghiệm phát triển đã được chia sẻ thông qua các hoạt động đối thoại chính sách tại các Hội nghị CG, Diễn đàn VDF, VDPF, VRDF.

Cùng với đó, những thay đổi cách thức tổ chức, nội dung, tên gọi, quy mô từ Hội nghị CG 1993 đến Diễn đàn VRDF 2019 cũng ngày càng nâng tầm sự kiện này trở thành một diễn đàn đối thoại đa phương về chính sách, đầu vào quan trọng cho những quyết định điều hành của Chính phủ, nhằm thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Đặc biệt, từ năm 2018, với việc đổi tên thành Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam, Bộ KH&ĐT đã bám sát vào thực tiễn triển khai những nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Chính phủ đang tiến hành, đặt trong bối cảnh mới của tình hình quốc tế để chủ động lựa chọn chủ đề thảo luận, đi sâu vào các lĩnh vực liên quan đến cải cách và xây dựng thể chế mới cho phát triển. Theo Bộ KH&ĐT, tư tưởng xuyên suốt trong chủ đề của mỗi kỳ Diễn đàn là “Cải cách” và “Phát triển”, tập trung vào những vấn đề nóng bỏng cần phải giải quyết bằng các giải pháp mới, có tác động sâu rộng, liên tục và lâu dài tới sự phát triển đất nước.

Tìm giải pháp cho khát vọng thịnh vượng

VRDF lần thứ nhất có chủ đề "Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới" đã đưa ra được nhiều khuyến nghị chính sách có giá trị. Bộ KH&ĐT cho biết, VRDF 2019 có quy mô lớn hơn, sẽ là diễn đàn quốc tế với nội dung bao trùm hơn so với VRDF 2018, bao gồm cả các vấn đề về cải cách thể chế kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; xác định ưu tiên của Chính phủ trong giai đoạn tới và những hành động, biện pháp cần thực hiện để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.

Chủ đề năm nay hướng đến vấn đề rất lớn của đất nước trong trung, dài hạn. Việt Nam còn chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2035, với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 10.000 USD. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của nước ta mới đạt 2.587 USD, trong khi nhiều nước xung quanh chúng ta đều đã đạt 6.000 - 7.000 USD, thậm chí trên 10.000 USD.

Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, như chia sẻ của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang đứng trước áp lực phát triển rất lớn, chỉ cần chậm chân một chút, có thể tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình với khoảng cách ngày càng xa với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nhưng nếu nắm được cơ hội, bằng mọi nỗ lực đi thật nhanh, ngã rẽ sẽ là con đường duy trì tốc độ tăng trưởng cao để đi đến thịnh vượng.

Từ những ngày đầu trên cương vị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng luôn đau đáu khát vọng đưa Việt Nam đến thật nhanh mục tiêu thịnh vượng. Từ đau đáu, trăn trở ấy, nhiều hành động quyết liệt, tiên phong, đi đầu đã được Bộ KH&ĐT thực hiện để hướng đến mục tiêu thịnh vượng của đất nước.

Với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - ưu tiên và hành động”, VRDF 2019 sẽ tiếp tục tìm ra lời giải, hành động cụ thể để Việt Nam vững bước đi đến mục tiêu. Theo Bộ KH&ĐT, qua những nội dung thảo luận tại Diễn đàn như: Tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu nhằm đạt được năng suất cao hơn; kinh nghiệm thoát bẫy thu nhập trung bình thông qua đổi mới sáng tạo; định hướng phát triển để Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045…, những giải pháp, khuyến nghị chính sách có tính khả thi cao sẽ được đưa ra. Qua đó đóng góp cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức vào đầu năm 2021, và nhất là cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 của Việt Nam.     

Chuyên đề

Kết nối đầu tư