Vốn ODA gỡ nhiều nút thắt giao thông

Hàng chục dự án giao thông chuẩn bị được đầu tư xây dựng bằng vốn ODA sẽ mang lại diện mạo giao thông mới...
Đường Vành đai 3 trên cao (Hà Nội) sử dụng vốn ODA Nhật Bản khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc giảm ùn tắc và phát triển kinh tế phía Tây Thủ đô - Ảnh: K.Linh
Đường Vành đai 3 trên cao (Hà Nội) sử dụng vốn ODA Nhật Bản khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc giảm ùn tắc và phát triển kinh tế phía Tây Thủ đô - Ảnh: K.Linh

Tới đây, hàng chục dự án giao thông chuẩn bị được đầu tư xây dựng bằng vốn ODA sẽ mang lại diện mạo giao thông mới cho đất nước, thúc đẩy giao thương và lưu thông thuận lợi hơn cho người dân và các phương tiện.

Xóa điểm đen ùn tắc cửa ngõ Thủ đô

Một công trình trọng điểm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội chuẩn bị được khởi công xây dựng bằng nguồn vốn ODA là tuyến đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long để kết nối với tuyến cao tốc Mai Dịch đến Bắc hồ Linh Đàm. Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện tại, tuyến đường Phạm Văn Đồng có bề rộng khoảng 25 m, gồm bốn làn xe cơ giới và hai làn hỗn hợp. Đây là tuyến đường trọng điểm có vai trò kết nối trung tâm TP Hà Nội với sân bay Nội Bài, nhưng thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm gây bức xúc cho người dân khi tham gia giao thông.

Hơn nữa, kể từ khi tuyến cao tốc Mai Dịch - Bắc Linh Đàm được đưa vào khai thác từ cuối năm 2012, lượng phương tiện giao thông từ các tỉnh phía Bắc đi qua cầu Thanh Trì và hệ thống cầu cạn đổ về nút giao Mai Dịch bị dồn ứ nghiêm trọng. Do đó, việc xây dựng tiếp đoạn cầu cạn từ Mai Dịch đến Nam Thăng Long đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phải rà soát tất cả dự án ODA đang triển khai để đưa ra mốc tiến độ cụ thể trên tinh thần không được để bất cứ dự án ODA nào chậm. Các chủ đầu tư, Ban QLDA phải loại bỏ ngay tư tưởng cố tình kéo dài thời gian thi công dự án vì sợ hết việc làm”Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) cho biết, dự án Mai Dịch - Nam Thăng Long có chiều dài khoảng 5,3km, tổng mức đầu tư khoảng 240 triệu USD, sử dụng nguồn vốn vay của JICA. “Hiện nay, chúng tôi đã trình JICA kết quả sơ tuyển nhà thầu, dự kiến đầu tháng 7/2016 dự án sẽ được khởi công xây dựng. Sau khi đi vào khai thác, tuyến đường sẽ xóa bỏ điểm đen ùn tắc giao thông trên tuyến đường cửa ngõ Thủ đô kết nối với sân bay Nội Bài”, ông Bình nhấn mạnh.

Một trong những công trình cấp bách cần phải đầu tư xây dựng sớm là tuyến Dầu Giây - Xuân Lộc dài 36km (tổng mức đầu tư 294 triệu USD), thuộc dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Hiện, tuyến QL1 đoạn từ Đồng Nai đến Phan Thiết chỉ có hai làn xe đang đối mặt nguy cơ quá tải. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA1 cho biết, chủ trương của Chính phủ là không mở rộng QL1 của đoạn tuyến này lên 4 làn xe mà ưu tiên đầu tư cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, trong đó đoạn từ Dầu Giây - Xuân Lộc sẽ được triển khai trước bằng vốn vay của WB, trị giá khoảng 257 triệu USD.

Theo đại diện chủ đầu tư, dự án Dầu Giây - Xuân Lộc sử dụng vốn ODA đã được lập báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) và đang trong quá trình chờ đơn vị tư vấn rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư làm cơ sở để WB thẩm định và phê duyệt hợp đồng. “Dự kiến, đầu năm 2018, dự án sẽ được khởi công và hoàn thành vào năm 2020. Còn lại 62km đoạn từ Xuân Lộc - Phan Thiết sẽ được đầu tư bằng PPP. Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết triển khai sớm ngày nào sẽ giảm tải cho QL1 đoạn Đồng Nai - Phan Thiết sớm ngày đó. Nếu triển khai chậm, nguy cơ ùn tắc trên QL1 đoạn Đồng Nai - Phan Thiết chỉ có hai làn xe là điều không tránh khỏi”, ông Lâm chia sẻ.

Trong khi đó, tại Nam Định, bao đời nay, người dân hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu mong ước có một cây cầu nối liền hai bờ sông Ninh Cơ để thoát cảnh qua sông phải “lụy đò”. Giờ đây, ước muốn đó sắp trở thành hiện thực khi dự án xây dựng cầu Thịnh Long sử dụng nguồn vốn ưu đãi của EDCF (Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc) do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ đang chuẩn bị được triển khai với tổng mức đầu tư 60 triệu USD. Theo ông Nguyễn Xuân Lâm, hiệp định vay vốn cho dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Tài chính và EDCF đang thống nhất một số nội dung về điều khoản trong hợp đồng. Dự kiến, cuối năm 2016, cầu Thịnh Long sẽ được khởi công xây dựng. “Cầu Thịnh Long sau khi hoàn thành sẽ xóa bỏ bến phà hiện tại, rút ngắn quãng đường từ QL21 đi TL480 từ 40-50km, tiết giảm thời gian khoảng một tiếng đồng hồ so với việc phải đi qua phà như hiện nay”, ông Lâm nói.

Đó chỉ là 3 trong số hàng chục dự án ODA lớn sẽ được triển khai tới đây. Theo ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), Bộ đang đề xuất dự kiến triển khai xây dựng 23 dự án sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian tới.

Đường Vành đai 3 trên cao Mai Dịch - Thăng Long là một trong các dự án giao thông sử dụng vốn ODA được triển khai trong thời gian tới (Trong ảnh: Điểm cuối đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm) - Ảnh: Tạ Tôn

Dự án ODA phải được thi công nhanh nhất

Cũng theo ông Hoằng, trong số các dự án sử dụng vốn ODA tới đây, vốn vay của JICA chiếm tỷ lệ cao nhất với 8 dự án, kế tiếp là WB với 5 dự án, ADB (4 dự án), EDCF (4 dự án) và 2 dự án dùng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc. Nguồn vốn ODA không chỉ tập trung vào các dự án phát triển đường bộ, mà hàng loạt các dự án thuộc lĩnh vực đường sắt, đường biển, đường thủy, hàng không cũng sẽ được Bộ GTVT ưu tiên đầu tư xây dựng như: Dự án cải tạo đèo Khe Nét trên tuyến đường sắt Thống Nhất, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng CHK quốc tế Long Thành, dự án đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, dự án đường hành lang ven biển giai đoạn 2…

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách và Trái phiếu Chính phủ còn hạn hẹp, việc triển khai hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT thời gian tới. Đối với những dự án chuẩn bị được ký hợp đồng với nhà tài trợ, các Ban QLDA phải khẩn trương hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý, không được chậm trễ.

“Các Ban QLDA cần phải có người chuyên trách về dự án ODA và người này phải hiểu sâu về các dự án ODA, trình tự thủ tục và phải biết ngoại ngữ để thúc đẩy quá trình triển khai dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói và cho biết, theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ GTVT, đối với những dự án ODA đang triển khai, các chủ đầu tư, Ban QLDA phải triển khai nhanh nhất để rút ngắn tiến độ thi công hoàn thành dự án so với hợp đồng của nhà tài trợ.

Điểm mặt các dự án ODA được đề xuất đầu tư mới

- 5 dự án sử dụng vốn vay của WB: Cao tốc Dầy Giây - Xuân Lộc; Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; Quản lý tài sản đường địa phương; Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng Bắc bộ; Kết nối giao thông khu vực Tây nguyên và duyên hải miền Trung.

- 4 dự án sử dụng vốn vay ADB: Khoản vay lần hai dự án xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành; Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn Km1+800-Km45+100; Đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 2; Đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

- 8 dự án sử dụng vốn vay JICA: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Ninh Bình - Nghi Sơn - Bãi Vọt; Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; Xây dựng Trung tâm điều hành ITS cho mạng lưới đường cao tốc phía Bắc; Xây dựng hầm khu vực đèo Hải Vân tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; Cao tốc Nha Trang - Phan Thiết, dự án cầu Mỹ Thuận 2; Xây dựng cơ sở hạ tầng CHK Long Thành; Đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng.

- 4 dự án sử dụng vốn vay EDCF: Dự án thành phần 1A thuộc dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch; Tín dụng ngành xây dựng các cầu kết nối các tuyến quốc lộ; Cải tạo đèo Khe Nét (Km414-Km423) tuyến đường sắt Thống nhất, cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện, nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn Tân Thành - Vũng Tàu.

- 2 dự án sử dụng vốn vay Trung Quốc: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề