Vinatex và gánh nặng chi phí nhân công

(BĐT) - Hôm nay, Tập đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2016. Năm 2016, Vinatex đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng vượt bậc so với kết quả năm 2015. 
Vinatex sẽ phải gánh thêm khoảng 40 triệu đồng mỗi năm cho 1 công nhân. Ảnh: Lê Tiên
Vinatex sẽ phải gánh thêm khoảng 40 triệu đồng mỗi năm cho 1 công nhân. Ảnh: Lê Tiên

Cụ thể, doanh thu đề ra là 1.407 tỷ đồng và 465,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 61,85% và 74,47% so với năm 2015. Mục tiêu của Vinatex là đưa Tập đoàn trở thành doanh nghiệp dệt may hàng đầu trong khu vực.

Dệt may được đánh giá là ngành sẽ nhận được nhiều lợi thế khi Việt Nam gia nhập TPP cũng như ký kết hàng loạt FTA khác, kéo theo thị trường được mở rộng với nhiều ưu đãi về thuế quan. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường cũng mang đến không ít khó khăn khi doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các doanh nghiệp FDI, vốn có lợi thế nổi bật về tài chính, công nghệ.

Ngoài ra, với đặc trưng thâm dụng lao động, sức ép do tăng lương tối thiểu, tăng mức đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ công nhân viên đối với Vinatex đang nặng nề hơn bao giờ hết. Ước tính, với chính sách mới về lương và bảo hiểm xã hội, Vinatex sẽ phải gánh thêm khoảng 40 triệu đồng mỗi năm cho 1 công nhân sử dụng. Thêm vào đó, hiện tại chi phí về vốn cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đang cao hơn đáng kể so với các doanh nghiệp FDI.

Căn cứ báo cáo thường niên của Vinatex, tại thời điểm cuối năm 2015, số lượng lao động tại 17 công ty thành viên Vinatex đạt gần 80.500 người. Không đưa ra ước tính cụ thể, nhưng có thể thấy gánh nặng tài chính lên các đơn vị thành viên lớn đến mức nào khi Quyết định 59/SĐ-BHXH quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội chính thức có hiệu lực từ năm 2016.     

Chuyên đề