Chỉ riêng trong năm 2016, Vinafood 2 đã chỉ định thầu 70 trong tổng số 106 gói thầu. Ảnh: Minh Yến |
Điều đáng chú ý là số lượng kết quả lựa chọn nhà thầu mà DN này công bố theo quy định ít hơn rất nhiều so với số lượng gói thầu đã thực hiện.
Chỉ định thầu được “ưu tiên” áp dụng
Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2016 của Vinafood 2 cho thấy, DN này chủ yếu lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu. Cụ thể, trong tổng số 106 gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm 2016, có tới 70 gói thầu thực hiện chỉ định thầu (trong đó, 43 gói thầu sử dụng vốn mua sắm thường xuyên, 27 gói thầu sử dụng vốn nhà nước).
Lý giải về việc áp dụng chỉ định thầu cho nhiều gói thầu, ông Tạ Minh Sơn, cán bộ phụ trách công tác đấu thầu của Vinafood 2 cho biết, là do các gói thầu có quy mô nhỏ, nằm trong hạn mức được chỉ định thầu.
Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu cho đa số các gói thầu vốn là “truyền thống” tại Vinafood 2. Trước đó, Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu của DN này cũng cho thấy, trong năm 2015, Vinafood 2 đã chỉ định thầu 176 gói trong tổng số 231 gói tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm. Còn trong năm 2014, hình thức chỉ định thầu được áp dụng cho 44 trong số 54 gói thầu, chiếm tới 81,48% tổng số gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm.
Kết quả lựa chọn nhà thầu do Vinafood 2 công bố cũng ghi nhận, chỉ định thầu là hình thức lựa chọn nhà thầu áp dụng nhiều nhất. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, kể từ tháng 12/2015 đến nay, Vinafood 2 công bố kết quả lựa chọn nhà thầu của 4 gói thầu thì có tới 3 gói thầu thực hiện chỉ định thầu.
“Quên” công khai thông tin đấu thầu
Vinafood 2 hiện có 15 đơn vị thành viên (Công ty Bột mì Bình Đông; Công ty Lương thực Long An; Công ty Lương thực Tiền Giang; Công ty Lương thực Bến Tre; Công ty Lương thực Vĩnh Long; Công ty Lương thực Trà Vinh...). Theo quy định, đơn vị nào tổ chức lựa chọn nhà thầu phải có trách nhiệm thực hiện công bố thông tin theo quy định để đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời.
Nhìn lại số lượng thông báo mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu do Vinafood 2 và các đơn vị thành viên công bố có thể thấy sự chênh lệch lớn, cụ thể là số lượng kết quả lựa chọn nhà thầu ít hơn rất nhiều so với số lượng gói thầu mà DN này đã thực hiện theo báo cáo. Lý giải về sự vênh nhau này, ông Sơn cho biết: “Có thể là do các đơn vị tổ chức lựa chọn nhà thầu không muốn cập nhật hoặc quên công khai lên Báo Đấu thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”.
Đáng chú ý, kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố của Vinafood 2 còn lộ diện một số nhà thầu quen. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2016 đến nay, Công ty Lương thực Vĩnh Long – đơn vị thành viên của Vinafood 2 đã thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu 5 gói thầu. Trong đó có 2 gói thầu dù lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, nhưng đều được trao cho một nhà thầu là Công ty CP Cơ khí Kiên Giang. Tương tự, kết quả lựa chọn nhà thầu 4 gói thầu của Vinafood 2 cho thấy, có 3 gói thầu đều được trao cho Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại công nghệ cao HDT.
Dưới góc nhìn chuyên gia đấu thầu, ông Nguyễn Xuân Đào, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm, việc DN nhà nước không thực hiện công bố thông tin, trong đó có thông tin về đấu thầu theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật. Vi phạm này phải được xử lý nghiêm minh để tạo sức răn đe, góp phần làm cho hoạt động đấu thầu ngày càng minh bạch, công bằng. Đặc biệt, việc một số đơn vị của Vinafood 2 tổ chức lựa chọn nhà thầu nhưng vì lý do nào đó mà “quên” công bố kết quả lựa chọn nhà thầu phải được chấn chỉnh, xử lý nghiêm. Vị chuyên gia này cũng kiến nghị, cần phải nâng mức xử phạt đối với những DN nhà nước vi phạm quy định về công bố thông tin. Trong trường hợp DN liên tục vi phạm, cơ quan có thẩm quyền nên xem xét cấm DN tổ chức đấu thầu.