Vinafood 2 trong vòng xoáy nợ khó đòi

(BĐT) - Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) vừa công bố một số thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh. Đáng chú ý là bức tranh hoạt động của doanh nghiệp (DN) này có phần u ám vì nợ tồn đọng, nợ khó đòi. 
Đến hết năm 2016, Vinafood 2 đã phải trích lập dự phòng 603 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi
Đến hết năm 2016, Vinafood 2 đã phải trích lập dự phòng 603 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi

Bên cạnh đó, DN này chưa công bố đầy đủ các thông tin theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước.

Nguy cơ mất trắng 600 tỷ nợ khó đòi

Theo báo cáo công bố mới nhất, tại thời điểm 31/12/2015, tổng nợ phải thu của Vinafood 2 là 1.412 tỷ đồng. Trong đó, tổng số dư nợ phải thu quá hạn, khó đòi là 653 tỷ đồng, số tiền trích lập dự phòng là 354 tỷ đồng.

Trong năm 2016, Vinafood 2 đã xử lý và thu hồi được 43 tỷ đồng, nhưng số phát sinh nợ phải thu khó đòi lại tăng thêm 38 tỷ đồng. Cuối năm 2016, tổng số dư nợ phải thu quá hạn, khó đòi của Vinafood 2 vẫn ở mức rất cao là 648 tỷ đồng và gần như không đổi so với thời điểm đầu năm. Tổng công ty cũng đã trích lập bổ sung hơn 257 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đã trích lập tại thời điểm 31/12/2016 lên 603 tỷ đồng.

Một số khoản nợ phải thu lớn của Vinafood 2 là hơn 228 tỷ đồng với Công ty Lương thực Vĩnh Long, gần 235 tỷ đồng với Công ty Thu Hà và các công ty có liên quan đến Công ty Thu Hà. Trong năm 2016, Vinafood 2 chưa xử lý và thu hồi được đồng nào từ các khoản nợ này.

Ngoài ra, Vinafood 2 còn một khoản đầu tư gần 5 triệu cổ phần vào Lương thực Vĩnh Long với giá trị là 48 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/12/2016, số cổ phiếu này chỉ còn giá trị là hơn 3 tỷ đồng và Vinafood 2 phải trích lập dự phòng tới 44 tỷ đồng. Nếu tình hình tiếp tục không được cải thiện trong năm 2017, hẳn ban lãnh đạo Vinafood 2 còn phải rất đau đầu với những khoản nợ phải thu khó đòi này.

Đến thời điểm gần hết quý II/2017, Vinafood 2 chưa công bố báo cáo tài chính năm 2016. Tuy nhiên, bản công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh 2017 của Vinafood 2 cũng cho biết, năm 2016, doanh thu của Tổng công ty đạt 10.109 tỷ đồng, giảm tới 35% so với năm 2015. Lợi nhuận ròng đạt 156 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015, nhưng chỉ đạt được 94,5% kế hoạch năm 2016. Năm 2017, Vinafood 2 đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 105 tỷ đồng và 84 tỷ đồng, giảm gần 40% so với thực hiện năm 2016. 

Vi phạm công bố thông tin

Đến thời điểm 30/5/2017, Vinafood 2 vẫn chưa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 và báo cáo tài chính cả năm 2016 trên website chính thức và cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều này là vi phạm quy định về công bố thông tin tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.
Ngoài việc kinh doanh kém hiệu quả, Vinafood 2 cũng được biết đến với nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quản lý vốn, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng đã được công bố trong thời gian vừa qua.

Đặc biệt, đến thời điểm 30/5/2017, Vinafood 2 vẫn chưa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 và báo cáo tài chính cả năm 2016 trên website chính thức và cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều này là vi phạm quy định về công bố thông tin tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP. Theo quy định của Nghị định 81, Vinafood 2 phải thực hiện công bố công khai thông tin về báo cáo tài chính bán niên và cả năm không muộn hơn ngày 15 tháng 8 của năm báo cáo đối với báo cáo tài chính 6 tháng và không muộn hơn ngày 31 tháng 5 của năm liền sau năm báo cáo đối với báo cáo tài chính năm.

Không chỉ kém minh bạch thông tin về kết quả kinh doanh, tình hình tài chính, các thông tin về đấu thầu của DN này cũng có những dấu hiệu chưa tuân thủ các quy định hiện hành. Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục trở lại câu chuyện này trong số báo sau.

Tổng công ty Lương thực miền Nam có vốn điều lệ 3.375 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực chính là chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu lương thực, nông sản với sản phẩm chính là lúa gạo. Trong phương án cổ phần hóa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ, giá trị doanh nghiệp này được xác định là 4.980 tỷ đồng và sau đó được tăng thêm 393 tỷ đồng sau khi được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán lại theo yêu cầu của Chính phủ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư