Vinaconex đưa ra những quy định ngặt nghèo đối với nhà đầu tư muốn mua cổ phần Viwasupco. Ảnh: Lê Tiên |
Quy định ngặt nghèo
Theo đó, thời điểm dự kiến tổ chức bán đấu giá 25,5 triệu cổ phần (tương ứng 51% vốn điều lệ) của Vinaconex tại Viwasupco được xác định vào ngày 20/11/2017. Mức giá khởi điểm được Vinaconex đưa ra là 39.904 đồng/cổ phần.
Đáng chú ý trong phiên bán đấu giá này là những quy định ngặt nghèo đối với các nhà đầu tư muốn mua cổ phần Viwasupco. Theo các nhà đầu tư, quy định này sẽ làm giảm tính cạnh tranh trong đấu giá, làm giảm giá trị cổ phần mà Vinaconex có thể thu về khi bán vốn.
Vinaconex ra điều kiện, phải là nhà đầu tư đã đầu tư và tham gia quản lý, vận hành nhà máy sản xuất nước sạch có quy mô tương tự quy mô hiện tại của doanh nghiệp trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng. Đồng thời, số lượng cổ phần đăng ký mua tối thiểu của mỗi nhà đầu tư là 5 triệu cổ phần (tương đương 10% vốn điều lệ của Viwasupco).
Đặc biệt, nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần của Viwasupco từ Vinaconex phải cam kết ủng hộ để Viwasupco ký hợp đồng giao cho Vinaconex thi công toàn bộ phần xây dựng Dự án Đầu tư hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miêu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn 2 (Dự án Nước Sông Đà giai đoạn 2) theo đúng quy định của pháp luật. Đây có thể được nhìn nhận là hình thức chỉ định thầu, giảm tính cạnh tranh và hiệu quả của Dự án.
Như vậy, với thông tin công bố trong quy chế bán đấu giá cổ phần Viwasupco, có thể hiểu Dự án Nước Sông Đà giai đoạn 2 chưa lựa chọn được nhà thầu để triển khai phần xây dựng.
Liên quan đến Dự án Nước Sông Đà giai đoạn 2 trước đây đã phát sinh không ít rắc rối liên quan đến nhà thầu Trung Quốc, ngày 14/11/2016 Viwasupco đã thông báo hủy kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu CCOG-09: “Cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện của hạng mục tuyến ống truyền tải nước sạch dài 21 km - Đoạn từ cọc 327 (cổng Viện phim) đến cọc 750 (Cầu chui dân sinh km9+656)”.
Tại thời điểm đó, lý giải việc hủy thầu, không ký hợp đồng Gói thầu CCOG-09, Viwasupco cho biết, do thay đổi mục tiêu, phạm vi, quy mô đầu tư ghi trong hồ sơ mời thầu của Gói thầu. Trong trường hợp nếu có phát sinh thêm chi phí bồi thường cho nhà thầu, Hội đồng quản trị đồng ý để Công ty hạch toán tiền bồi thường vào chi phí hoạt động của Công ty.
Hưởng lợi kép
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, công suất Nhà máy Nước sông Đà hiện nay là trên 200.000 m3 mỗi ngày đêm, chiếm 23% tổng sản lượng nước sạch cấp cho Thành phố. Từ khi đi vào hoạt động, đường ống nước sông Đà đã 21 lần gặp sự cố vỡ đường ống. Nhiều cá nhân trong vụ việc liên quan đến công trình này đã bị truy tố.
Theo báo cáo tài chính mới nhất của Viwasupco, doanh thu quý III/2017 đạt 103 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận quý III/2017 đạt 43 tỷ đồng, tăng 16% so với quý III/2016. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, Viwasupco lãi ròng gần 123 tỷ đồng, tăng 3% so với 9 tháng năm 2016.
Ngoài ra, nếu đợt thoái vốn này thành công với các điều kiện tham gia cuộc đấu giá, Vinaconex nhiều khả năng sẽ trở thành nhà thầu thi công toàn bộ phần xây dựng của Dự án Nước Sông Đà 2. Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 4.922 tỷ đồng. Trong đó, tuyến ống 21 km truyền tải nước sạch giá trị 1.238 tỷ đồng. Các hạng mục còn lại có tổng mức đầu tư dự kiến là 3.683 tỷ đồng. Vì vậy, Vinaconex sẽ hưởng lợi lớn nếu được chọn thi công phần xây dựng của Dự án.
Hiện tại, cổ đông lớn thứ 2 của Viwasupco là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái (nắm giữ 34,1% vốn điều lệ). Doanh nghiệp này hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các điều kiện tham gia phiên đấu giá cổ phần Viwasupco của Vinaconex và cũng có tiềm lực tài chính mạnh. Vì vậy, giới đầu tư cho rằng nhiều khả năng Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái sẽ mua lại số cổ phần Viwasupco của Vinaconex.
Câu chuyện được đặt lên bàn đàm phán giữa hai bên có lẽ sẽ là việc Vinaconex được tham gia triển khai Dự án ra sao khi không còn là cổ đông của Viwasupco.