VietinBank đang cho Đạm Hà Bắc vay số tiền lên tới 3.678 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng An |
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư của Nhà nước mà còn tác động tiêu cực đến các chủ nợ của các dự án này.
3 doanh nghiệp lỗ hơn 1.500 tỷ đồng
Theo báo cáo mới đây của Vinachem, trong số 4 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn nằm trong 12 dự án thua lỗ ngành công thương, chỉ một đơn vị đã có lợi nhuận, còn lại vẫn đang trong tình trạng thua lỗ.
Cụ thể, chỉ có DAP Hải Phòng đạt lợi nhuận 196 tỷ đồng, tăng 182 tỷ đồng so với năm 2017. 3 đơn vị còn lại là Công ty CP DAP số 2 - Vinachem (DAP Lào Cai) vẫn lỗ 246 tỷ đồng; Đạm Hà Bắc lỗ 340 tỷ đồng và Đạm Ninh Bình lỗ 926 tỷ đồng.
Trong số các nhà máy trên, có lẽ tình trạng của Đạm Ninh Bình là khó khăn nhất, điều này phần nào được phản ánh trong chia sẻ mới đây của ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Vinachem: Nhà máy Đạm Ninh Bình đã hoạt động trở lại nhưng cầm chừng. Hiện nhà máy này không có vốn sản xuất khi "cửa" vay ngân hàng bị đóng hoàn toàn. Đạm Ninh Bình hiện "sống" dựa vào tiền mua hàng ứng trước của khách hàng.
Chi phí tài chính quá lớn nên theo ông Cường, việc xử lý Đạm Ninh Bình là "căng thẳng nhất". "Tình trạng này kéo dài, Đạm Ninh Bình mà sập thì kéo sập cả Tập đoàn khi chúng tôi đã rót vào đây 6.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 13.000 tỷ đồng", ông Cường lo ngại.
Còn về tình trạng của Đạm Hà Bắc, đây là doanh nghiệp đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nên các thông tin về hoạt động kinh doanh và tài chính của Đạm Hà Bắc đã được công khai khá rõ ràng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, tổng lỗ lũy kế của Đạm Hà Bắc đã lên tới 2.650 tỷ đồng tính đến cuối năm 2018, gần chạm đến con số vốn điều lệ của Công ty là 2.722 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng số nợ ngắn hạn đã vượt 2.022 tỷ đồng so với tổng tài sản ngắn hạn của Đạm Hà Bắc. Tình trạng trên đã dẫn đến những nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Đạm Hà Bắc được Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC đưa ra trong báo cáo.
Còn tại DAP Lào Cai, tính đến 30/6/2018, Vinachem đang phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào doanh nghiệp này đúng bằng số tiền góp vốn là 802,5 tỷ đồng, tương đương 53,05% vốn điều lệ.
Nhiều ngân hàng bị mắc kẹt
Tại Đạm Hà Bắc, đến thời điểm cuối năm 2018, một chủ nợ lớn của Công ty là Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bắc Giang (VDBank) với khoản cho vay 3.995 tỷ đồng. Trong đó, số dư nợ vay bằng VND là 3.946 tỷ đồng và hơn 2,1 triệu USD. Đây là khoản tín dụng phục vụ cho mục đích cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc. Tài sản hình thành từ việc mở rộng Nhà máy được dùng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay.
Ngoài VDBank, Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) - Chi nhánh Bắc Giang cũng đang cho Đạm Hà Bắc vay với số tiền lên tới 3.678 tỷ đồng (gồm cả dài hạn và ngắn hạn). Trong đó, 2.710 tỷ đồng là khoản tín dụng được tài trợ bởi cả VietinBank và các ngân hàng đồng tài trợ như Cathay United Bank - Chi nhánh Gia Lai hay Indovina - Chi nhánh Hà Nội.
Tính đến thời điểm 30/6/2018, VDBank và VietinBank cũng là hai chủ nợ lớn nhất của DAP Lào Cai. Cụ thể, khoản tín dụng mà VDBank - Chi nhánh Lào Cai và VietinBank - Chi nhánh Hà Nội tài trợ cho DAP Lào Cai lần lượt là hơn 1.735 tỷ đồng và 1.100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, VietinBank cũng đang kẹt hàng trăm tỷ đồng tại “bom nợ” Đạm Ninh Bình. Đây là các khoản tín dụng VietinBank cung cấp cho Vinachem, sau đó Vinachem cho Đạm Ninh Bình vay lại để thanh toán các khoản nợ gốc cho VDBank. Cụ thể, số dư của khoản tín dụng này tính đến thời điểm 30/6/2018 vẫn còn 462,7 tỷ đồng.
Trong tình trạng các đơn vị trên kinh doanh thua lỗ và không thể trả các khoản vay đến hạn thì các chủ nợ sẽ phải ghi nhận là nợ xấu. Điều đó sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của chính các chủ nợ này và cho cả nền kinh tế.