Viết tiếp sứ mệnh vẻ vang của nền báo chí cách mạng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tròn 99 năm kể từ thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra tờ báo Thanh Niên, chính thức xác lập sứ mệnh của những người làm báo cách mạng (21/6/1925-21/6/2024), những ấn phẩm báo chí chân chính và đội ngũ những người làm báo tiếp bước tiên phong trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tích cực tôn vinh cái mới, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, vì một Việt Nam tiến bộ, hùng cường.
Báo chí cách mạng được trao sứ mệnh tiên phong trong việc tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh tư liệu
Báo chí cách mạng được trao sứ mệnh tiên phong trong việc tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh tư liệu

99 năm tiên phong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thành quả kỳ vĩ của đất nước sau chặng đường gần 40 năm Đổi mới, hội nhập là minh chứng rõ nét cho vai trò, sứ mệnh vẻ vang của Đảng ta. Tuy nhiên, trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, hơn lúc nào hết, trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải được những người làm báo hôm nay thấm nhuần một cách sâu sắc, vững vàng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ, nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn. Phát huy truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam, trong suốt chiều dài từ khi khai sinh, dựng nước, báo chí luôn là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đóng góp lớn lao vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sự tận hiến bền bỉ của nhiều thế hệ người làm báo cách mạng kết thành một dòng chảy xuyên thời gian, chung khát vọng góp sức xây dựng Tổ quốc ngày càng vững mạnh. Niềm tự hào tựa khúc hoan ca đó đồng thời cũng đặt ra cho mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí những yêu cầu và trách nhiệm mới. Giữa thế giới đa chiều và biển thông tin, người làm báo phải thấu hiểu và bắt kịp dòng chủ lưu thời cuộc, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, mài sắc kỹ năng nghiệp vụ, sắc bén trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đáp ứng đòi hỏi mới của thời đại, đất nước.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đòi hỏi mỗi nhà báo phải có sự sắc bén, nhạy cảm chính trị cũng như ý thức, vai trò báo chí công dân trên các nền tảng số, mạng xã hội. Cùng với đó, báo chí không chỉ truyền thông chính sách, mà cần lắm những tờ báo, người làm báo bám sát thực tiễn, hòa mình vào đời sống, chuyển tải được đời sống của hàng triệu công dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đang ngày đêm phụng sự đất nước, xã hội lên trang viết. Ở đó, có bao nhiêu tấm gương người lao động, người tốt, việc tốt vẫn đều đặn và bền bỉ tỏa sáng. Tác phẩm báo chí cần phản ánh chân thực, sống động đời sống dân sinh bằng khả năng truyền tải chạm tới tầng sâu cảm xúc, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, để thúc đẩy sự tiến bộ của mỗi con người, cũng như cả xã hội.

Công cuộc chống tham nhũng gian nan, cam go “không có vùng cấm” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, phát động đã và đang đạt được những thành quả chưa từng có. Tuy nhiên, trong không gian đa chiều của thế giới thông tin bề bộn, có lúc nhiễu loạn, các phần tử thù địch, cơ hội dễ lợi dụng những sự kiện nhạy cảm để lan truyền thông tin xấu độc. Trong công cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, người làm báo cách mạng cần thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng để thấm nhuần và rèn rũa chính mình, như lời di huấn “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Từ việc xử lý vụ án Trần Dụ Châu trong những ngày đầu của kháng chiến chống Pháp đến công cuộc “đốt lò”, xử lý tham nhũng đang nhận được sự hưởng ứng tuyệt đối của các tầng lớp nhân dân hôm nay, là một sự nhất quán xuyên suốt về tư tưởng. Thấu hiểu tư duy hệ thống, xuyên suốt đó sẽ giúp những người làm báo khai thông ngòi bút, trở thành những chiến sỹ cách mạng trên mặt trận chống tham nhũng phức tạp, cam go với những cạm bẫy giăng đầy.

Bảo vệ tinh thần dám nghĩ, dám làm, hướng tới báo chí kiến tạo

Chống tham nhũng, giảm thiểu thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp là những chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không ít người dân, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi đối diện với tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức né tránh, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Thực tế đó đặt ra những yêu cầu mới với người làm báo, đó là phải chỉ ra sự trì trệ, ách tắc, phải “bắt đúng bệnh” thiếu tinh thần trách nhiệm, phê bình mạnh mẽ tâm lý “cầu an”, “giữ ghế”, ảnh hưởng đến sự phát triển của người dân, tổ chức, của nền kinh tế nói chung.

Báo chí đồng thời cần làm tốt chức năng diễn đàn, ghi nhận phản ánh những góc nhìn, những quan điểm, trí tuệ của nhân dân trong đánh giá chính sách, hay trước những vấn đề nóng bỏng, thời cuộc. Đặc biệt, báo chí cần đồng hành, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung. Để làm được việc này, ngoài những kỹ năng chuyên môn, nhà báo phải tự trang bị cho mình tình yêu đất nước, khả năng lý luận chuẩn mực và cả sự am tường mảng việc được phân công theo dõi. Nhà báo phải đủ năng lực khái quát, đúc kết thực tiễn, mạnh mẽ tôn vinh những cá nhân, tổ chức tiêu biểu, đồng thời kịp thời phát hiện những “khoảng mờ” của chính sách, tìm kiếm những quan điểm mới, những giải pháp hay, góp sức đưa ra những đề xuất, kiến nghị thuyết phục, xác đáng.

Ngoài lăn lộn với đời sống, người cầm bút phải nêu cao trách nhiệm nghề nghiệp, luôn đồng hành trong dòng chủ lưu của những vấn đề nóng, nhạy cảm. Chỉ khi có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp trong sáng mới có thể vững vàng đối diện với các “nút thắt”, “điểm nghẽn”. Cảm quan nghề nghiệp, sự tận hiến, dấn thân, đặt mình vào những vị trí của đối tượng phản ánh, bỏ qua những danh lợi trước mắt là phẩm chất cần có của người làm báo cách mạng. Nhà báo phải biết phân tích, đánh giá, đôi khi bằng những linh giác, trực giác. Khi nhìn nhận thấu đáo vấn đề bằng sự khách quan, đa chiều, toàn diện, sâu sắc, những tác phẩm báo chí sẽ “bắt” đúng “mạch” của dòng chảy đời sống, đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển của một tổ chức, một địa phương, một xã hội.

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế với sự phát triển đa chiều, đa dạng đang tạo áp lực buộc các cơ quan báo chí phải đổi mới để tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh xuyên suốt 99 năm báo chí cách mạng Việt Nam chính là động lực, là hành trang, là sức mạnh thúc đẩy những người làm báo, những cơ quan báo chí thời nay tiếp bước đổi mới và đổi mới thành công.

Chuyên đề