Việt Nam tự tin bước vào năm mới

(BĐT) - Trò chuyện với Báo Đấu thầu trước thềm Xuân Quý Mão, đại diện các tổ chức quốc tế và giới đầu tư nước ngoài đều chia sẻ sự kỳ vọng vào viễn cảnh khả quan của kinh tế Việt Nam năm 2023, đặt niềm tin vào các giải pháp đúng đắn của Chính phủ, đồng thời kiến nghị một số giải pháp để tạo điều kiện cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng vững chắc hơn.
Việt Nam tự tin bước vào năm mới

Ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để phục hồi và tăng trưởng

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

ADB đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong điều hành kinh tế hiệu quả, vừa kiềm chế được lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng, mà sự phục hồi đầy ấn tượng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 là kết quả của những nỗ lực to lớn đó.

Với đà tăng trưởng mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2023. Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương giai đoạn 2022 - 2023. Lạm phát toàn cầu có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt từ quý II/2023 và rất ít khả năng kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Hơn nữa, Trung Quốc dần mở cửa trở lại, dòng thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc sẽ được khơi thông.

Tuy nhiên, lạm phát, tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc cùng với những tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, đe dọa triển vọng ngắn hạn của khu vực. Những yếu tố rủi ro bên ngoài này sẽ phủ bóng lên triển vọng tươi sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Việc các nền kinh tế lớn thắt chặt tài khóa và tiền tệ, đồng thời gia tăng bất ổn địa chính trị toàn cầu có thể đẩy giá hàng hóa lên cao sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Trong báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á hồi tháng 9/2022, ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,7% và lạm phát ở mức 4% trong năm 2023. Số liệu này sẽ được cập nhật khi ADB công bố báo cáo mới vào tháng 4/2023.

Với Việt Nam, ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành kinh tế linh hoạt và thận trọng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Các nút thắt nội tại cần sớm được tháo gỡ, bao gồm giải ngân vốn đầu tư công; khơi thông dòng vốn để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển; tăng cường các chính sách an sinh xã hội để gia tăng sức chống chịu cho lực lượng lao động ở khu vực chính thức và không chính thức.

Kinh tế năm 2023 sẽ tương đối ổn

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham)

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham)

Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế có kết quả phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 và triển vọng tích cực năm 2023 trong khi các nền kinh tế khác gặp nhiều khó khăn do lạm phát, khủng hoảng năng lượng, lương thực nhờ chính sách, hướng đi đúng đắn, nhất là việc chuyển hướng từ "zero Covid" sang mở cửa, phục hồi kinh tế hiệu quả.

Kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Cùng với đó là các nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Tăng trưởng toàn cầu chậm lại và rủi ro bất ổn tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong 2023 và 2024. Chúng tôi cũng đồng ý với ý kiến của UNDP nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng.

Kinh tế tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng

Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam

Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam

Chính sách linh hoạt và chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 thành công đã mang lại bước tiến ấn tượng cho kinh tế của Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam vượt trội hơn so với các quốc gia khác trong khu vực nhờ vào sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng, xuất khẩu tăng mạnh trong mấy quý và hoạt động du lịch quốc tế dần trở lại. Bằng chứng về sự phục hồi mạnh mẽ là các hộ gia đình Việt Nam bước vào năm Quý Mão 2023 với tình hình tài chính tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn nhiều thử thách. Tăng trưởng toàn cầu chậm lại và rủi ro bất ổn tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến Việt Nam năm 2023 và năm 2024.

Rủi ro ngắn hạn chủ yếu đến từ bên ngoài, bao gồm tác động của cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đối với giá năng lượng, phân bón và lương thực, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, lãi suất tăng và chính sách “thắt lưng buộc bụng” ở các nước thu nhập cao. Suy thoái sâu ở châu Âu và Mỹ sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu và có thể làm giảm lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Lãi suất tăng ở Mỹ đã củng cố giá trị của đồng USD so với hầu hết các loại tiền tệ, bao gồm cả VND. Đồng USD mạnh hơn và lãi suất cao hơn sẽ ảnh hưởng xấu đến các công ty Việt vay tiền ở nước ngoài.

Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào sự phát triển của thị trường nội địa sâu, có tính thanh khoản và được quản lý tốt đối với tín dụng ngân hàng, chứng khoán. Các doanh nghiệp cần tiếp cận với nguồn tài chính trong nước dài hạn để nâng cao năng lực, công nghệ và phát triển các sản phẩm mới cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Việt Nam cần có thị trường vốn năng động để hỗ trợ tăng trưởng và tài trợ cho chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các hệ thống sản xuất năng lượng tái tạo, xây dựng, chế tạo và nông nghiệp.

Tận dụng cơ hội để tăng trưởng bền vững

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội

Năng lực sản xuất của Việt Nam đã hồi phục gần như hoàn toàn sau đại dịch và các chỉ số cơ bản của nền kinh tế đã ổn định trong năm 2022. Trong thời gian tới, các cơ hội kinh tế ở Việt Nam là chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, chuyển đổi số và thị trường tiêu dùng trong nước tăng trưởng. Trong khi đó, thách thức là các thị trường nước ngoài và những yếu tố hạn chế từ nội tại.

Về thị trường nước ngoài, giá năng lượng tăng cao và lạm phát đã làm tăng giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Việc Trung Quốc hạn chế các hoạt động kinh tế cũng tác động tiêu cực tới hoạt động xuất nhập khẩu với quốc gia này.

Về thị trường trong nước, lãi suất cao có thể khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam ngại vay tiền từ ngân hàng để đầu tư. Lãi suất cao cũng gây áp lực lớn với thị trường bất động sản và các dự án hạ tầng, dẫn đến sự suy giảm ở các lĩnh vực liên quan như vật liệu xây dựng và máy móc.

Sự suy giảm đơn hàng trong các lĩnh vực dệt may, vật liệu nhà ở, sắt thép và công nghiệp máy móc giúp giảm nhẹ áp lực căng thẳng về cung cầu lao động. Tuy nhiên, tuyển dụng vẫn là vấn đề đau đầu với bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp.

Nhìn chung, khi các thị trường nước ngoài vượt qua giai đoạn suy thoái, kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng quay lại chu kỳ tăng trưởng nhờ vào năng lực giao thương quốc tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và du lịch quốc tế. Khảo sát mới đây của JETRO cho thấy, 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có triển vọng mở rộng kinh doanh năm 2023 và sau đó. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các nước ASEAN.

Triển vọng phát triển của Việt Nam là tích cực trong trung và dài hạn

GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam

GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam

2022 - năm đầu tiên hậu Covid-19, là một năm thật đặc biệt với Việt Nam. Đây là dấu mốc cho thấy Việt Nam đã đi được bao xa với quyết tâm tái định vị một cách vững chắc. Tuy nhiên, ngay cả khi đã vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 tương đối tốt, được cả thế giới công nhận, Việt Nam cũng không thể thoát khỏi tác động từ các yếu tố bất ổn từ bên ngoài và các mối đe dọa toàn cầu.

Để tạo điều kiện cho kinh doanh và đầu tư thành công tại Việt Nam vào năm 2023, cần phải thực hiện một số điều.

Trước hết, Chính phủ Việt Nam cần tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh. Điều này bao gồm giảm các thủ tục hành chính, tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tập trung vào việc tạo ra giá trị cho khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với chiến lược giá tốt. Cuối cùng, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho sự thay đổi. Kinh tế Việt Nam năng động và phát triển nhanh chóng, vì vậy các doanh nghiệp cần phải linh hoạt và thích nghi để thành công.

Triển vọng phát triển của Việt Nam là tích cực trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, có thể sẽ có những thách thức vào năm 2023, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến tình hình toàn cầu bất ổn. Cơ sở vững chắc cho sự lạc quan về kinh tế trong 2023 là những cam kết rõ ràng về thương mại tự do, bảo hộ đầu tư, kinh tế thị trường và hội nhập vào chuỗi giá trị quốc tế, cùng với tình hình tài chính công lành mạnh và các chính sách thận trọng của Ngân hàng Nhà nước.

Môi trường pháp lý hợp lý và minh bạch để hấp dẫn các nhà đầu tư

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội

Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, bất chấp những “cơn gió ngược” từ suy giảm kinh tế toàn cầu.

Năm qua, Việt Nam đã ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu. Chiến lược vắc-xin nhất quán, toàn diện và việc tái mở cửa nền kinh tế đã củng cố sự hồi phục vững chắc cho Việt Nam. Việc điều chỉnh giá xăng dầu kịp thời và hoãn các loại thuế, phí mới đã góp phần kìm hãm lạm phát.

Tuy nhiên, bước vào năm 2023, lĩnh vực sản xuất - xuất khẩu đối diện sự suy giảm tổng cầu và chi phí gia tăng. Thêm vào đó, chính sách đầu tư của Việt Nam có lẽ là chưa đủ cạnh tranh để thu hút các dự án công nghệ cao trong so sánh với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Nhật, Đài Loan và Malaysia.

Kinh tế toàn cầu sẽ có nhiều điểm bất ổn nên có nhiều điều Chính phủ có thể làm ngay từ bây giờ để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, từ đó giúp tăng năng suất lao động và giảm chi phí, giảm rủi ro kinh doanh tại Việt Nam.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư Mỹ là được thấy môi trường pháp lý hợp lý, minh bạch, có thể dự đoán và đề cao sự sáng tạo, khi chúng tôi xem xét việc duy trì và phát triển ở Việt Nam.

Chuyên đề