Việt Nam 'thiếu cả lái xe cẩu'

Chỉ còn 2 tuần nữa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra đời, nhưng VN vẫn đang loay hoay trong tình trạng lao động yếu lẫn không giữ được nhân lực giỏi.
Nhân lực VN đang đứng trước thách thức lớn khi gia nhập AEC - Ảnh: Diệp Đức Minh
Nhân lực VN đang đứng trước thách thức lớn khi gia nhập AEC - Ảnh: Diệp Đức Minh

Làm thế nào để giữ được nhân sự giỏi khi bước vào cuộc chơi AEC? Đó là một trong những vấn đề được quan tâm và thảo luận nhiều nhất của hơn 200 doanh nghiệp (DN) thuộc nhiều lĩnh vực tham dự hội thảo “Nhân sự 2016 - Vũ khí tối ưu trong cuộc chiến thu hút nhân tài và giữ chân nhân tài” do Tạp chí Doanh Nhân phối hợp với Công ty Le Media tổ chức chiều 15.12.

Sẽ cạnh tranh khốc liệt

Theo ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN, chúng ta đang thiếu lao động tay nghề cao trong ngành, từ lái xe cần cẩu đến quản lý kho bãi. Hiện nay 80% thị phần logistics trong nước thuộc về số ít DN đa quốc gia. Ngoài một số nguyên nhân khác thì việc thiếu và yếu về nguồn nhân lực cũng khiến DN trong nước kém cạnh tranh. Đồng thời, nguồn nhân lực kém cũng góp phần khiến chi phí logistics tại VN cao hơn các nước. Nguồn cung nhân lực trong nước ước tính chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của ngành và dự kiến trong 3 năm tới, cần ít nhất 30.000 lao động.

“Đặc biệt, khi AEC trở thành một thị trường chung thì lực lượng lao động sẽ được tự do dịch chuyển giữa các thị trường. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn cho DN trong nước. Có thể những lao động trong khối ASEAN đổ sang VN và khi đó người lao động trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt, thậm chí thất nghiệp gia tăng. Nhà nước cần có hỗ trợ trong việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics, kể cả từ quản trị trung cấp và cao cấp, bởi tự bản thân các DN không thể thực hiện được vấn đề này”, ông Đỗ Xuân Quang nói.

Lương cao vẫn chưa đủ

Ngược lại, khi gia nhập AEC, lực lượng lao động giỏi của VN có thể bị DN nước ngoài thu hút. “Chúng tôi có thực hiện một cuộc khảo sát đối với lao động trung và cao cấp tại VN, nhiều bạn trẻ đều nói nếu AEC mở rộng tự do cho lao động nhiều ngành nghề thì họ sẽ đi nước ngoài làm việc và định cư. Nguy cơ chảy máu chất xám của VN rất lớn và mang tầm quốc gia chứ không phải chỉ là câu chuyện của riêng các DN”, bà Nguyễn Thị Vân Anh nói.

Để tuyển dụng và giữ chân được lao động, đặc biệt lao động quản lý, đâu là yếu tố quan trọng nhất? Giám đốc điều hành Career Builder VN Bùi Ngọc Quốc Hưng trình bày kết quả khảo sát cho thấy nhân tố quan trọng tạo nên nhà tuyển dụng lý tưởng là cơ hội phát triển nghề nghiệp (chiếm 95,4%). Yếu tố tiếp theo là môi trường làm việc đa dạng và không phân biệt đối xử (94%); thu nhập hấp dẫn, tiền thưởng và các lợi ích tài chính khác (92,9%); môi trường làm việc thoải mái (89,5%) và đảm bảo việc làm ổn định (88,4%). Điều quan trọng khác là nhà tuyển dụng phải vẽ lên được cơ hội phát triển nghề nghiệp cho người được tuyển dụng.

Đồng quan điểm trên, bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Công ty CP dược Hậu Giang, cho biết tiền lương rất quan trọng nhưng chưa đủ. Để giữ chân lao động, công ty phải chuyển tải giá trị cốt lõi về văn hóa DN cho ứng viên; xây dựng văn hóa DN gắn với yếu tố gia đình của nhân viên... Nhờ vậy, tỷ lệ nhân viên bỏ việc ở công ty này rất thấp và số người có thâm niên làm việc trên 10 năm rất cao. Tương tự, Phó tổng giám đốc Công ty Digiworld Tô Hồng Trang cho biết đối với nhân sự cấp cao, công ty không đặt lương làm hàng đầu mà đưa ra chính sách cùng chia sẻ lợi nhuận. Bên cạnh đó, luôn xây dựng lộ trình phát triển cho nhân viên trong vòng 3 năm sau khi tuyển dụng. Hiện công ty đang thực hiện tuyển dụng sinh viên để thực tập và đào tạo bổ sung nguồn nhân lực cho DN và chương trình này đang mang lại hiệu quả cao.

Chất lượng thấp nhất khu vực

Theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2014, gần 50% DN trong ASEAN rất thiếu lao động lành nghề do lực lượng lao động đang sử dụng chưa có được các kỹ năng cần thiết. ILO dự báo khi tham gia AEC, số việc làm của VN sẽ tăng lên 14,5%. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực VN vẫn thấp nhất trong khu vực. ILO đánh giá năng suất lao động của VN chỉ bằng 1/5 so với Malaysia, 1/18 so với Singapore và bằng 2/5 so với Thái Lan. Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2014 đánh giá chất lượng nhân lực VN chỉ xếp thứ 11/12 nước châu Á.

Báo cáo “Thách thức trong tuyển dụng và giữ chân nhân sự tại VN và một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do Công ty Navigos Search thực hiện khảo sát tại các công ty đa quốc gia vào tháng 8.2015 cho thấy nhân sự quản lý VN thiếu kỹ năng chuyên môn/kỹ thuật trong khi kỹ năng lãnh đạo và quản lý chưa phù hợp với văn hóa DN. Chưa hết, theo Giám đốc điều hành Navigos Search Nguyễn Thị Vân Anh, nhiều công ty đa quốc gia than phiền về trình độ tiếng Anh của nhân viên người Việt cũng như việc thiếu và yếu kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, giao tiếp... Tất cả đang khiến lao động VN trở nên yếu thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt khi hội nhập.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư