Một phiên họp của ECOSOC. (Nguồn: iisd.ca) |
Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề về “Khuôn khổ thể chế và xây dựng chính sách,” Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh lồng ghép và đổi mới chính sách nhằm chung tay triển khai Chương trình nghị sự phát triển chung của toàn cầu là thách thức song cũng là cơ hội đối với tất cả các quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt đối với quốc gia vừa gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình ở mức thấp như Việt Nam.
Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Đề án tổng thể để nội địa hóa SDG, phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020.
Việt Nam rất chú trọng vai trò của doanh nghiệp, cả doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân, và có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả của khu vực doanh nghiệp, như: hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, không phân biệt quy mô, loại hình, mọi thành phần kinh tế bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực (vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường..) và cơ hội kinh doanh, đẩy mạnh cổ phần hóa, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng chia sẻ nhiều thông tin và kinh nghiệm của Việt Nam trong xoá nghèo đói, xây dựng chính phủ điện tử, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm lợi ích của người lao động.
Trưởng Đoàn Việt Nam cũng đã phát biểu thay mặt các nước ASEAN tại Phiên Thảo luận chung về Lồng ghép chính sách phát triển, nêu bật tầm quan trọng của việc phối hợp xây dựng chính sách ở cấp khu vực để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, trong đó có việc giải quyết các thách thức chung như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh./.