Việt Nam dự khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới thứ 142

0:00 / 0:00
0:00
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đề nghị Đại hội đồng IPU cần kêu gọi các quốc gia có ưu thế sản xuất vaccine hỗ trợ nhằm đảm bảo việc tiếp cận công bằng, kịp thời nguồn vaccine và trang thiết bị y tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 142. Nguồn: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 142. Nguồn: quochoi.vn

Tối 26/5, tại Nhà Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn đã dự khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 142 với hình thức trực tuyến; tham gia Phiên thảo luận toàn thể với chủ đề "Vượt qua đại dịch hôm nay và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn: Vai trò của các Nghị viện."

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco nhấn mạnh, khai mạc Đại hội đồng IPU-142 là thời điểm các nghị sỹ trên khắp thế giới tập hợp lại với nhau, chia sẻ mục tiêu và cam kết chung là đối thoại và hợp tác giữa các nghị viện.

Đây là thời điểm các giá trị, ý tưởng và khát vọng hội tụ lại thành xung lực mạnh mẽ nhằm củng cố hòa bình và dân chủ đại diện.

Chủ tịch IPU cho rằng, những tai họa và thách thức mà đại dịch CODVID-19 đặt ra là rất lớn. Hơn 3 triệu người thiệt mạng, cùng với thiên tai và suy thoái kinh tế đã làm đảo ngược những tiến bộ lớn trong sự phát triển của nhân loại.

Hàng triệu người trên khắp thế giới bị đẩy vào cảnh đói nghèo cùng cực. Trước tác động của đại dịch, việc xây dựng cách làm việc mới mẻ và đột phá trong thời điểm này là rất cần thiết đối với các quốc gia.

Theo Chủ tịch IPU Duarte Pacheco, việc tiếp cận vaccine COVID-19 hiện rất khó khăn, các quốc gia cần phải liên kết để tạo ra nguồn cung hữu hiệu.

Với điều kiện hiện tại, thế giới cần chung tay, kết nối một cách bình đẳng và bao dung, cùng nhau tạo nên một nền móng vững chắc trên toàn thế giới dựa trên nền tảng số để từng bước vượt qua đại dịch.

"Sứ mệnh của IPU là phải thúc đẩy đối thoại và hợp tác để đem đến một tương lai tươi sáng hơn," Chủ tịch IPU Duarte Pacheco khẳng định.

Tham luận tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: Hơn một năm qua, đại dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng, tác động nghiêm trọng tới tình hình kinh tế, chính trị, an ninh, an toàn xã hội của các quốc gia và nhân dân trên toàn thế giới, làm bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức đối với hệ thống đa phương và quản trị toàn cầu trong việc xây dựng thế giới hòa bình, xanh và thịnh vượng.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc,” ngay từ những ngày đầu tiên COVID-19 khởi phát, Việt Nam đã có những hành động quyết liệt, đồng bộ, kịp thời; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm, đồng thuận của toàn dân với chiến lược chủ động phòng ngừa-phát hiện sớm-cách ly triệt để và điều trị tích cực.

Việt Nam cũng thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong trạng thái “bình thường mới.”

Việt Nam áp dụng phương châm “chuyển từ thế phòng thủ sang chủ động tấn công,” thực hiện 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế), cộng với đó là vaccine, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Việt Nam đang cơ bản kiểm soát tình hình dịch COVID-19, duy trì được sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Trong cuộc chiến với dịch bệnh, Quốc hội Việt Nam đã đồng hành cùng Chính phủ kịp thời phân bổ ngân sách ứng phó dịch bệnh, ban hành các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước tác động của đại dịch, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh tại các diễn đàn đa phương liên nghị viện, cũng như có các hành động thiết thực thể hiện tinh thần đoàn kết với nghị viện các nước như tặng khẩu trang, vật tư y tế.

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề xuất, cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Liên minh Nghị viện thế giới và các tổ chức nghị viện khu vực, tổ chức quốc tế trong công tác ngăn ngừa, xử lý khủng hoảng hoặc tình huống khẩn cấp như đại dịch COVID-19.

Liên minh Nghị viện thế giới cần kêu gọi các quốc gia có ưu thế sản xuất vaccine để hỗ trợ người dân các nước đang phát triển, các nước đang phải hứng chịu những hệ lụy nặng nề của COVID-19 được tiếp cận công bằng, kịp thời nguồn vaccine và trang thiết bị y tế hiện đại với chi phí hợp lý.

Bên cạnh đó, nghị viện thành viên khẩn trương hoàn thiện chính sách quốc gia để ứng phó với đại dịch COVID-19; phân bổ ngân sách kịp thời và tăng cường giám sát, trách nhiệm giải trình của Chính phủ khi triển khai các chương trình, cơ chế xử lý khủng hoảng nhằm vượt qua đại dịch.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới cùng các nước thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và đào tạo nhằm nâng cao năng lực ứng phó với COVID-19.

Chuyên đề