Viết báo theo phong cách Hồ Chí Minh

(BĐT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam - là một nhà báo lỗi lạc. Trong hàng ngàn bài báo của Người về nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề khác nhau của đời sống xã hội đương đại đều lấp lánh một phong cách riêng có của Người, đó là phong cách viết báo Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và dìu dắt nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và dìu dắt nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Nổi bật nhất trong phong cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ là sự chân thực, súc tích, cô đọng, ngắn gọn, luôn tập trung xuyên suốt vào chủ đề chính; câu chữ mộc mạc, đại chúng, giản dị, ai đọc cũng thấy dễ hiểu, dễ nhớ. Các bài báo của Người vừa mang tính hiện đại, vừa đậm tính dân tộc, luôn sinh động, sống động, cuốn hút người đọc. Người chia sẻ với các nhà báo: “Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”. 

Bác chỉ rõ “viết phải thiết thực”, nghĩa là: “nói có sách, mách có chứng, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?”. Mỗi bài báo của Bác đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những tài liệu đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc, đem lại cho người đọc những thông tin chính xác, chân thực. Bác thường nhắc nhở “viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”, và “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Bác yêu cầu: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu”. Và Bác căn dặn: “Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”.

Các bài báo của Bác Hồ đều ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, viết đủ những ý cần thiết, rõ ràng. Bác dạy: Cần phải tránh cái lối viết “rau muống”, nghĩa là viết lằng nhằng “trường giang đại hải”, làm cho người đọc như là “chắt chắt vào rừng xanh”. Có nhà báo viết: “Tổ sản xuất Dân chủ sản xuất đinh, tháng 1 sản xuất được 50 vạn chiếc đinh, tháng 2 nhờ phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật sản xuất được 60 vạn chiếc đinh”. Bác lấy bút đỏ gạch bỏ 2 chữ “đinh” ở cuối câu rồi nói: “Chú viết một câu ngắn mà có 3 chữ “đinh”. Phải biết tiết kiệm giấy mực, công sức và thời gian. Đọc 2 chữ “đinh” mất một giây, cả triệu người thì hết bao nhiêu thời gian”.

Trong các bài báo của mình, Bác Hồ đề cập đến nhiều vấn đề lớn của đất nước, của thời đại, Người luôn tìm cách diễn đạt các vấn đề này một cách giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Bác Hồ là người có tầm suy nghĩ sâu rộng, hiểu biết thấu đáo bản chất của sự vật và các mối quan hệ của chúng. Bác cũng là người hiểu biết sâu sắc nếp suy nghĩ và lời ăn tiếng nói của nhân dân... Chính những điều này góp phần làm nên sự giản dị, trong sáng, dễ hiểu của văn phong Hồ Chí Minh.

Để viết giản dị, Bác khuyên các nhà báo đừng ham “nói chữ”, nhất là “nói chữ” nước ngoài. Bác nói: “Nhiều người tưởng: mình viết gì, nói gì người khác cũng đều hiểu được cả. Thật ra, hoàn toàn không như thế. Dùng cả đoạn chữ Hán, dùng từng đống danh từ lạ, nói hoặc viết theo cách Tây, mỗi câu dài dằng dặc, thì quần chúng hiểu sao được? Tục ngữ nói “đàn gảy tai trâu” là có ý chê người nghe không hiểu. Song những người tuyên truyền mà viết và nói khó hiểu thì chính người đó là trâu”.

Bác nhấn mạnh: “Chớ ham dùng chữ. Những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng. Những chữ mà ta có thì phải dùng tiếng ta”. Từ đấy, Bác nhắc nhở các nhà báo: “Phải học cách nói của quần chúng, mới lọt tai quần chúng”. Người còn căn dặn, phải “viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”.

Bác căn dặn: “Viết rồi thì phải thế nào? Viết rồi thì phải đọc đi đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại bốn, năm lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại”. Chỉ một sự thiếu cẩn trọng, cẩu thả khi viết có thể tác động xấu đến đời sống xã hội, phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì vậy, người viết báo phải luôn nêu cao trách nhiệm, cẩn thận, tỉ mỉ rà soát bài viết trước khi đăng.

Mỗi nhà báo, trong tổng thể các hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần chú ý dành thời gian nghiên cứu, học hỏi, vận dụng và rèn luyện theo phong cách viết báo của Người. Báo chí không chỉ là phương tiện thông tin đơn thuần, mà còn có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng tiến hành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng lớp xã hội. Để đáp ứng yêu cầu đó và tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí, mỗi bài báo phải thực sự là một món ăn tinh thần của đông đảo độc giả, phải thật sự chân thực, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.

Học tập và làm theo phong cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết cần phải “viết thiết thực”, tức là phải viết những sự việc, những vấn đề gần gũi, bức thiết của đất nước và đời sống xã hội, nêu lên những việc đã làm được, với những kết quả cụ thể, có ích cho quốc kế dân sinh như thế nào; đồng thời cũng vạch ra những việc chưa làm tốt, nêu nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục.

Phải tích cực đi thực tế, sâu sát cơ sở, sâu sát tình hình thực tiễn. Hiện nay, có một số phóng viên viết bài chỉ dựa vào báo cáo bằng văn bản hoặc lấy thông tin qua điện thoại, qua mạng xã hội, không tiếp xúc trực tiếp với hiện trường, với nguồn tin. Điều này đôi khi dẫn đến những sai sót, thông tin bị sai lệch, nói theo một chiều, bài viết không có tư liệu thực tiễn nên thiếu sinh động, không gần gũi và hấp dẫn người đọc. Thêm vào đó, phải tích cực học tập nâng cao kiến thức về nhiều mặt, bao gồm kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung, đồng thời cần tích lũy vốn sống và luôn rèn luyện đạo đức, kỹ năng nghề báo. Nếu không đủ kiến thức, sẽ không thể hiểu rõ đề tài, nhà báo chắc chắn không thể suy nghĩ thấu đáo về đề tài đó và không tìm ra ngôn từ để diễn đạt. Người càng có năng lực tư duy và trình độ hiểu biết thì càng biết viết ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu.

Học tập và làm theo phong cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp các nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ, xây dựng và từng bước định hình cho riêng mình một phong cách viết báo đặc sắc. Nền tảng của phong cách viết báo ấy, tựu trung lại, chính là cốt lõi của phong cách viết báo Hồ Chí Minh, luôn chân thực, súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, luôn hướng tới người đọc và lấy người đọc làm trung tâm.

Chuyên đề