Vì sao thanh khoản tốt nhưng lãi suất ngân hàng vẫn có xu hướng tăng?

“Trong hoạt động thị trường liên ngân hàng, yếu tố lòng tin là quan trọng để thị trường vận hành thông suốt. Với vai trò quản lý hoạt động hệ thống, Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát thị trường, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống,”
Ảnh minh họa. (Nguồn: VietinBank)
Ảnh minh họa. (Nguồn: VietinBank)

Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh nhấn mạnh tại cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng để đánh giá tình hình thị trường tiền tệ 8 tháng.

Đa số ý kiến từ các ngân hàng thương mại cho rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua là phù hợp. Diễn biến thị trường tiền tệ, lãi suất huy động thị trường 1 chưa giảm được khi lãi suất thị trường 2 (liên ngân hàng) thấp, thanh khoản dồi dào.

Nguyên nhân chủ yếu là do các tổ chức tín dụng giảm thị phần. Dư thừa thanh khoản là tạm thời, nhưng nhu cầu vốn vay từ hệ thống ngân hàng, kể cả vốn vay trung và dài hạn đã khiến các tổ chức tín dụng vẫn cạnh tranh nguồn vốn huy động; vấn đề lòng tin của thị trường bị ảnh hưởng trước một số thông tin bất lợi đến hoạt động ngân hàng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh chỉ đạo các tổ chức tín dụng, trong quá trình phát triển cần đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, phát triển lành mạnh và đặc biệt là duy trì yếu tố lòng tin của khách hàng vào hệ thống ngân hàng.

“Trong hoạt động thị trường liên ngân hàng, yếu tố lòng tin là quan trọng để thị trường vận hành thông suốt. Với vai trò quản lý hoạt động hệ thống, Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát thị trường, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống,” Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh nhấn mạnh.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn vừa qua là thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định mặt bằng lãi suất huy động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng có các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đảm bảo thanh khoản ở các kỳ hạn và tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý. Qua đó, giảm bớt áp lực về chênh lệch kỳ hạn, áp lực đối với mặt bằng lãi suất.

Tuy nhiên, qua rà soát đánh giá, trong 8 tháng qua lãi suất huy động ở đa số ngân hàng cơ bản ổn định, mặc dù vậy, một số ngân hàng thương mại cổ phần vẫn có xu hướng tăng nhẹ từ 0,2-0,3%.

Lý giải điều này, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các ngân hàng tăng huy động kỳ hạn dài nhằm đáp ứng vốn cho vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm và cũng là để cơ cấu lại nguồn vốn theo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Đặc biệt, ông Tín cũng chỉ ra có một vài ngân hàng tăng lãi suất huy động vì yếu tố thời vụ nhằm hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh (quý cuối của năm).

Còn ông Cù Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) thì cho rằng, mặc dù thanh khoản của thị trường 2 đang rất tốt nhưng về nguyên tắc không thể dùng vốn thị trường 2 để cho vay thị trường 1. Thị trường 2 chỉ đạt vấn đề thanh khoản tạm thời chủ yếu ở các kỳ qua đêm, ngày, tuần, cùng lắm là 1 vài tháng nên không thể lấy vốn đó cho vay doanh nghiệp được. Nếu ngân hàng nào lấy vốn của thị trường 2 cho vay thị trường 1 thì mất thanh khoản lúc nào không biết. Chính vì vậy một số ngân hàng đã phải tăng lãi suất của các kỳ dài hạn lên.

Cũng theo ông Tuấn, thời điểm này Chính phủ lo lắng đến sự sống còn của các doanh nghiệp, muốn đưa lãi suất thấp hơn để cho doanh nghiệp bớt gánh nặng chi phí để tăng trưởng tốt hơn. Ngân hàng cũng muốn lãi suất thấp vì như vậy chi phí sẽ thấp và mới ổn định được.

Ông Tuấn lấy ví dụ từ những năm trước, huy động 18%, cho vay ra khoảng 25%, rất rủi ro cho ngân hàng, doanh nghiệp mà chết thì ngân hàng cũng chết nên ngân hàng cũng muốn hạ lãi suất để an toàn cho cả hai bên.

Các chuyên gia của Công ty chứng khoán Bảo Việt thì cho rằng, để lãi suất có thể giảm bền vững, bên cạnh việc thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, các ngân hàng cũng cần tăng hiệu quả hoạt động để giảm biên độ lợi nhuận (NIM), kiểm soát và xử lý nợ xấu hiệu quả, ngoài ra yếu tố lạm phát cũng cần quan sát thận trọng trong bối cảnh lạm phát các tháng cuối năm được dự báo có nhiều diễn biến khó lường...

“Nhìn chung, cơ hội để lãi suất tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm là không cao, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng tăng huy động kỳ hạn dài nhằm đáp ứng vốn vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, đồng thời tăng huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng quy định cơ cấu lại nguồn theo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước,” các chuyên gia của Công ty chứng khoản Bảo Việt nhấn mạnh./.

Chuyên đề