Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Doanh nghiệp bất động sản chiếm phần lớn
Tính đến cuối tháng 3/2016, tổng số tiền thuế, tiền phạt còn nợ tạm kết theo chương trình TMS (hệ thống quản lý thuế tập trung) là 20.243 tỷ đồng, tăng 6,21%, tương đương 1.184 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2015. Đây cũng là một thách thức lớn khi Cục Thuế TP.HCM đặt mục tiêu nợ thuế đến 31/12/2016 không vượt quá 5% so tổng thu ngân sách năm 2016.
Mới đây, trong danh sách 53 DN còn nợ tiền thuế lớn đợt 1/2016 với tổng số tiền thuế nợ gần 548 tỷ đồng bị Cục Thuế TP.HCM bêu tên đã cho thấy phần lớn vẫn là các công ty kinh doanh bất động sản, xây dựng (chiếm gần 70% trong tổng số nợ thuế là 547,8 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2016). Đơn cử như Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Tân An Huy (nợ gần 90,7 tỷ đồng), Công ty CP Xây dựng công trình và Đầu tư địa ốc Hồng Quang (nợ hơn 88,9 tỷ đồng), Công ty CP Thương mại xây dựng vận tải Thái Hùng (nợ hơn 62,6 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Trang Thiên Phát (nợ thuế trên 38 tỷ đồng)…
Phía cơ quan quản lý cũng có nhiều động tác nhắm vào các công ty nợ thuế lớn này như áp dụng biện pháp cưỡng chế là thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu hồi mã số thuế, đình chỉ hoá đơn, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...
Ngoài ra, còn có một số công ty bất động sản nợ thuế lớn vốn đã từng vướng lùm xùm vào những dự án lớn còn thiếu cơ sở pháp lý, lình xình kiện cáo, mà một trong những điển hình vừa bị Cục Thuế TP.HCM bêu tên trong đợt này là Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà Hoàng Hải (trụ sở tại huyện Hóc Môn, nợ thuế hơn 101 tỷ đồng).
Cần gỡ vướng
Theo Cục Thuế TP.HCM, một trong những vấn đề khó khăn trong thu hồi nợ thuế của Thành phố hiện nay là khi thực hiện biện pháp kê biên tài sản thì có giá trị tài sản không lớn hoặc không có tài sản để thực hiện biện pháp cưỡng chế. Hoặc có những DN bỏ khỏi địa điểm kinh doanh sau đó thành lập công ty khác.
Ngoài ra, đa phần các hộ kinh doanh nợ thuế không có tài khoản ngân hàng, không sử dụng hóa đơn, thuê mướn mặt bằng, không có tài sản có giá trị để cưỡng chế đã gây khó khăn lớn khi thu hồi nợ thuế. Đó là chưa kể có sự “bắt tay” giữa cán bộ thuế và các hộ kinh doanh hay DN để chây ì nợ thuế.
Một điểm cần lưu ý, mặc dù số nợ thuế trên 90 ngày trong năm 2015 đã giảm nhiều so với trước, nhưng các loại nợ khác (nợ khó thu, nợ chờ xử lý, nợ đến 90 ngày) còn tăng so với trước đây, đã làm hạn chế kết quả thu của Cục Thuế Thành phố năm vừa qua.
Trước số nợ thuế tăng cao, để quản lý hiệu quả hơn trong năm nay, gần đây, Cục Thuế TP.HCM đã kiến nghị cần xây dựng cơ sở dữ liệu về tài khoản ngân hàng của DN mở tại ngân hàng để phục vụ cho việc cưỡng chế thu nợ thuế. Cục Thuế cũng đề nghị Cơ quan thi hành án tổ chức thu hồi các khoản nợ thuế theo bản án của Toà án đã tuyên trong các vụ án hành chính theo đề nghị của cơ quan thuế.
Lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho rằng, cần nghiên cứu chế độ kê khai, nộp và hạch toán số thuế của các chi nhánh nộp tại các tỉnh, thành phố khác nơi đóng trụ sở chính để thực hiện đúng quy định thu nộp ngân sách nhà nước theo Luật Quản lý thuế, giúp cơ quan thuế quản lý DN chính không phải điều chỉnh nợ thuế.
Một vấn đề cũng được đặt ra là vì sao vẫn có tình trạng DN nợ thuế lớn, giải thể vẫn được thành lập DN mới? Chính vì vậy, phía Cục Thuế Thành phố đã từng kiến nghị Bộ Tài chính có ý kiến trình Chính phủ sửa đổi các quy định của Luật Doanh nghiệp, các văn bản pháp quy liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cấp cho các cá nhân là đại diện pháp luật của các DN có số nợ thuế lớn sau đó bỏ địa chỉ kinh doanh và thành lập DN mới.