Vì sao ngân hàng đua giảm phí?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cuộc đua giảm các loại phí ngân hàng để thu hút khách hàng đang “tăng nhiệt”, nối tiếp đà giảm phí khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2020. Nhiều ngân hàng còn miễn toàn bộ phí giao dịch, phí duy trì tài khoản, phí rút tiền… cho khách hàng.
Tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn là mục tiêu của nhiều ngân hàng trong năm 2021. Ảnh: Song Tiên
Tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn là mục tiêu của nhiều ngân hàng trong năm 2021. Ảnh: Song Tiên

Ngân hàng TMCP Bản Việt vừa thông báo miễn phí mở thẻ ATM, miễn phí chuyển tiền, miễn phí duy trì số dư, miễn phí nhận thông báo biến động thông tin tài khoản cho khách hàng. Ngân hàng Vietcombank sau 3 năm duy trì chính sách thu phí chuyển tiền online cũng đã miễn phí chuyển tiền với điều kiện khách hàng sử dụng dịch vụ VCB Digibank, nhận thông báo số dư qua ứng dụng VCB Digibank và duy trì một số dư tài khoản nhất định.

Ngân hàng SHB miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng nhanh 24/7, miễn phí quản lý tài khoản, số tài khoản đẹp. HDBank cũng “tung” chính sách miễn phí dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking, miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, miễn phí rút tiền ATM nội mạng, miễn phí SMS và ATM thường niên…

Chưa khi nào khách hàng được miễn nhiều loại phí ngân hàng như vậy, thậm chí tại một số ngân hàng, khách hàng chỉ cần chứng minh nhân thân, mở tài khoản, nạp tiền và giao dịch. Một số ngân hàng kèm điều kiện khi áp dụng chính sách miễn phí như khách hàng phải có thẻ ghi nợ quốc tế, cài app hoặc sử dụng ví điện tử của ngân hàng…

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, không chỉ khách hàng được lợi mà việc giảm phí giúp ngân hàng tăng tỷ lệ vốn có chi phí thấp, lãi suất gần như bằng 0%. Có số tiền đó, các ngân hàng cho vay ra thu được lợi nhuận lớn. Việc giảm phí còn giúp ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng mới, đây là điều rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh.

Mới đây, tại cuộc họp của một ngân hàng thương mại về giải pháp mở rộng khách hàng, tăng nguồn tiền gửi, đẩy mạnh thu hút vốn giá rẻ với tài khoản không kỳ hạn, một trưởng phòng giao dịch của ngân hàng nêu rõ quan điểm: “Muốn thu hút khách hàng, muốn khách hàng mở thẻ và thường xuyên có giao dịch, không có cách nào khác ngoài cách thức trực tiếp và thực dụng nhất là miễn các loại phí cho khách hàng”.

Vị này chia sẻ, khách hàng tới phòng giao dịch mở tài khoản, đăng ký phát hành thẻ đều hỏi được miễn những loại phí nào, miễn trong bao lâu. Mỗi khách hàng hiện nay không chỉ sở hữu một tài khoản ở một ngân hàng, mà còn sở hữu nhiều tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau, trong ví lúc nào cũng có từ 2 thẻ ngân hàng trở lên. Ngân hàng nào miễn phí chuyển khoản, miễn phí dịch vụ thì khách hàng lựa chọn.

Kết quả thống kê cho thấy, trong top 5 ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng khách hàng và tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn năm 2020, Techcombank dẫn đầu trong việc thu hút nguồn vốn giá rẻ. Theo ghi nhận của định chế tài chính JP Morgan Chase đầu năm nay, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Techcombank đạt con số kỷ lục 46,1% tổng tiền gửi khách hàng. Techcombank cũng được coi là ngân hàng giảm nhiều loại phí nhất khi miễn phí đăng ký và duy trì tài khoản, miễn phí chuyển khoản và nhiều tiện ích khác. Tiếp đến là MB (39,3%), Vietcombank (30,1%), ACB (21,5%), VietinBank (19,3%).

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, không chỉ khách hàng được lợi mà việc giảm phí giúp ngân hàng tăng tỷ lệ vốn có chi phí thấp, lãi suất gần như bằng 0%. Có số tiền đó, các ngân hàng cho vay ra thu được lợi nhuận lớn. Việc giảm phí còn giúp ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng mới, đây là điều rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh. Việc giảm phí có thể coi là chiến lược “bỏ con tép, bắt con tôm”.

Ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng giám đốc Techcombank tiết lộ, giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân Techcombank năm 2020 tăng hơn 108% lên 383 triệu giao dịch, giá trị đạt 5 triệu tỷ đồng với sự đóng góp của khoảng 1,1 triệu khách hàng mới mở tài khoản. Có nguồn vốn giá rẻ, ngân hàng này có điều kiện đầu tư các sản phẩm ngân hàng số, quản lý tài chính, mua bán các sản phẩm đầu tư.

Chính vì thế, tăng tỷ lệ CASA trở thành mục tiêu cụ thể mà nhiều ngân hàng đặt ra trong năm nay để góp phần tăng lợi nhuận. Có thể kể đến BIDV đặt mục tiêu tăng tỷ lệ CASA năm 2021 lên tối thiểu 16%; MSB phấn đấu đạt 20 - 30% và cán mốc 40.000 tỷ đồng vào năm 2023.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư