Vì sao lãi suất huy động biến động trái chiều?

(BĐT) - Khác với xu hướng đua lãi suất huy động trước Tết Nguyên đán, mở hàng năm mới, diễn biến lãi suất trên thị trường đã có những chuyển động trái chiều. Điều này phản ánh sự khác nhau về nhu cầu vốn và năng lực hút vốn của từng ngân hàng.
Một số ngân hàng lớn đã giảm lãi suất huy động vốn. Ảnh: Nhã Chi
Một số ngân hàng lớn đã giảm lãi suất huy động vốn. Ảnh: Nhã Chi

Tăng huy động không chỉ nhằm cho vay

Ngày làm việc đầu năm mới, Ngân hàng Techcombank thông báo tăng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên mức 6,3% thay cho mức 6% áp dụng trước đó. Với mức tăng này, lãi suất huy động của Techcombank cao hơn mức 5,5% của các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước song lại thấp đáng kể so với mức trên 7% với cùng kỳ hạn của các ngân hàng khác như VietcapitalBank, Bắc Á Bank, SCB…

Đáng chú ý, Techcombank là ngân hàng có mức lợi nhuận trước thuế năm 2018 rất cao, đạt hơn 10.660 tỷ đồng, xếp thứ hai trên thị trường. Mặt khác, theo báo cáo tài chính quý IV/2018 của ngân hàng này, tổng dư nợ cho vay của Techcombank là 157.557 tỷ đồng, tổng huy động là 201.471 tỷ đồng. Đây cũng là một trong số ít ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nới hạn mức tín dụng trong năm 2018 từ mức 14% lên 20%.

Khác với động thái này, một số ngân hàng khác đã quyết định giảm lãi suất huy động ngay trước và sau kỳ nghỉ Tết. Ngân hàng ACB giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng xuống 5,1%/năm thay vì mức 5,2% áp dụng trước đó; VietinBank giảm 0,3% ở hai kỳ hạn 6 và 12 tháng về mức lần lượt 5,5%/năm và 6,8%/năm. Trước đó, BIDV cũng giảm lãi suất kỳ hạn 5 tháng từ 5,5%/năm xuống còn 5,2%/năm. Tại VPBank, các khoản tiền gửi 6 tháng hiện chỉ còn có mức lãi suất 6,9%/năm thay vì mức 7%/năm trước đó.

Như vậy, trên thị trường tiền tệ hiện nay, mức lãi suất huy động cao nhất thuộc về nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần như Bắc Á, Việt Á, SCB, VietCapital. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước vẫn duy trì mức lãi suất thấp.

Bình luận về xu hướng này, TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia ngân hàng cho rằng, đây là diễn biến thú vị của thị trường, phản ánh sự khác biệt về khả năng và nhu cầu huy động vốn của các tổ chức tín dụng. Mặt khác, điều này cũng có thể xuất phát từ định hướng điều chỉnh danh mục vốn và cơ cấu lại dòng tiền gửi và dòng vốn cho vay.

“Trên thực tế, có sự khác biệt về mức độ giải ngân nguồn vốn. Trong năm 2018, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 15 - 16%, trong khi một số ngân hàng thương mại cổ phần khác có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao hơn đáng kể”, ông Lai nói và phân tích: “Có thể, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có cách giải ngân vốn cao hơn, đặc biệt khi họ có mối quan hệ liên kết với các dự án cần huy động vốn lớn hoặc họ cần vốn để trả nợ. Tóm lại, việc tăng huy động của ngân hàng không chỉ nhằm cho vay mà trong nhiều trường hợp còn để tăng đầu tư hoặc trả nợ”. 

Fed giữ lãi suất, Việt Nam có lợi

Lãi suất huy động biến động trái chiều phản ánh sự khác biệt về khả năng và nhu cầu huy động vốn của các tổ chức tín dụng. Mặt khác, điều này cũng có thể xuất phát từ định hướng điều chỉnh danh mục vốn, cơ cấu lại dòng tiền gửi và dòng vốn cho vay.

Ở một diễn biến khác, ngay cuối tháng 1/2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu tạm dừng nâng lãi suất và linh hoạt trong việc bán ra tài sản. Đây được xem là một thay đổi lớn so với lập trường kiên định là thắt chặt chính sách tiền tệ mà Fed vẫn duy trì trước đây. Giới đầu tư cho rằng Fed đang chuyển trọng tâm sang duy trì sự tăng trưởng hiện nay của kinh tế Mỹ, thay vì tìm cách ngăn chặn sự tăng trưởng quá nóng.

"Tín hiệu này cho thấy các quan chức của Fed đang cân nhắc việc thắt chặt tiền tệ và không còn lo ngại về một đợt tăng lãi suất tiếp theo”, các chuyên gia kinh tế của Bloomberg bình luận.

Với thị trường Việt Nam, tín hiệu này được dự báo sẽ có lợi cho nguồn vốn trên thị trường. Chia sẻ quan điểm về diễn biến này, ông Nguyễn Đại Lai cho rằng, việc Fed phát tín hiệu dừng tăng lãi suất cho thấy cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế vẫn còn nhiều điểm giằng co, phức tạp. Nếu tiếp diễn, cuộc chiến này sẽ có hại cho cả hai bên và Mỹ sẽ là bên chịu thiệt nhiều hơn. Do đó, việc Fed phát tín hiệu dừng tăng lãi suất sẽ hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế Mỹ. Với Việt Nam, việc này có tác động tích cực là phần nào “giữ chân” dòng vốn đầu tư ở lại Việt Nam.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư