Vẫn nhức nhối nạn xe quá tải

(BĐT) - Thời gian qua, công tác kiểm soát tải trọng xe đã được chỉ đạo triển khai quyết liệt nhưng vẫn còn tình trạng xe quá tải hoành hành trên các tuyến đường, gây bức xúc trong dư luận.
Tình trạng xe quá tải ngang nhiên hoạt động vẫn xảy ra, gây bức xúc dư luận. Ảnh: Lê Tiên
Tình trạng xe quá tải ngang nhiên hoạt động vẫn xảy ra, gây bức xúc dư luận. Ảnh: Lê Tiên

Lực lượng thanh tra kêu khó

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) diễn ra ngày 14/1 tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng TCĐB cho biết, năm 2015 công tác kiểm soát tải trọng xe được triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi thay đổi kích thước thùng chở hàng trái phép đối với xe ô tô tải tự đổ trên các quốc lộ, nhà máy, xí nghiệp, kho bãi, bến cảng; kiểm soát xe tại các trạm kiểm soát trọng tải xe lưu động. TCĐB cũng đã chỉ đạo, đôn đốc các sở GTVT kiểm soát trọng tải xe 24/24h và 7/7 ngày trong tuần tại các trạm kiểm soát trọng tải; tổ chức đợt cao điểm xử lý xe quá tải trong 2 tháng cuối năm.

Năm nay, dứt khoát phải xóa hết xe quá tải lưu thông trên đường bộ. Khu vực nào để tồn tại xe quá tải, để đường xấu, đường hỏng thì xử lý cán bộ” – Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng kiên quyết.
Tuy nhiên, tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Sở GTVT Gia Lai cũng bày tỏ bức xúc đối với việc kiểm soát xe quá tải. Trên địa bàn Gia Lai đã có 57 doanh nghiệp ký cam kết xe bốc xếp hàng hóa không vượt trọng tải xe,­­ song khi kiểm tra, một số doanh nghiệp làm tốt, nhưng một số doanh nghiệp còn thờ ơ. Ở Gia Lai vào tháng 11 và tháng 12 thì số lượng xe vận chuyển mỳ, vận chuyển mía là rất lớn và vẫn còn hiện tượng xe quá tải chở chui lủi. Nguồn nhiên liệu rộng, thanh tra kiểm soát 24/24h mà chỉ có 2 tổ 7 người nên không thể kiểm soát nổi. Vị đại diện này cho rằng, dù chủ trương ký kết không chở quá tải rất đúng, nếu tất cả cùng thực hiện thì chắc chắn sẽ giảm, nhưng nhiều nơi không thực hiện, không xử lý nghiêm nên tình trạng này vẫn gây bức xúc dư luận. Khi thanh tra xử lý 1 xe quá tải vào nhà máy, lái xe buông thõng câu “tôi đi qua 4 - 5 trạm chả ai bắt hạ tải, đến đây lại bắt là sao? Rất khó cho lực lượng thanh tra” – đại diện Lãnh đạo Sở GTVT Gia Lai chia sẻ. 

Để lọt xe quá tải thì xử lý cán bộ

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Phước cho biết, Bình Phước là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, có 3 tuyến quốc lộ đi qua, trong đó có Quốc lộ 13. Quá trình vận tải hàng hóa đến vùng Tây Nguyên, Lào, Campuchia đều đi qua tuyến Quốc lộ 13, nên việc kiểm soát tải trọng xe không dễ chút nào. Trạm kiểm tra tải trọng trên Tỉnh chỉ giải quyết được một phần nào, nên phải tìm nhiều giải pháp để “chống”. Bình Phước có mỏ đá, cát, xi măng lớn nên ngoài việc bắt các doanh nghiệp ký cam kết, còn huy động lực lượng từ địa phương, nếu bắt gặp phương tiện quá tải đi qua thì địa phương được tạm giữ rồi điện thoại về cho Tỉnh để xử lý… Hiện nhiều lái xe tải vẫn còn thói quen, vẫn còn suy nghĩ chở quá tải, song đến nay, với mức phạt cao, nếu bị phạt có thể mất nửa năm mới gỡ lại được lãi, nên đã bắt đầu có thay đổi nhận thức.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhận định, công tác kiểm soát tải trọng xe vẫn làm chưa triệt để, chưa hiệu quả dù đã nỗ lực rất nhiều. Theo đánh giá là đã giảm được 91% lượng xe quá tải lưu thông trên đường, nhưng số xe quá tải còn lại mới khó. Trong đó, có những người còn chỗ dựa, nên cứ ngang nhiên đi khắp nơi. Nếu chúng ta làm tốt công tác kiểm soát tải trọng xe thì sẽ giữ được đường, được cầu. Vì thế, “năm nay, dứt khoát phải đưa mục tiêu xóa hết xe quá tải lưu thông trên đường bộ. Khu vực nào để tồn tại xe quá tải, để đường xấu, đường hỏng thì xử lý cán bộ” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Chuyên đề