Vẫn khó giảm lãi suất cho vay

(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất điều hành sau một thời gian giảm lãi suất tín phiếu và kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay với một số nhóm khách hàng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại với tổ chức kinh tế và cá nhân vẫn khó giảm.
Lãi suất cho vay hiện ở mức 4,3 - 5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5 - 7,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4 - 8,1%/năm với kỳ hạn 12 - 13 tháng. Ảnh: Minh Dũng
Lãi suất cho vay hiện ở mức 4,3 - 5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5 - 7,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4 - 8,1%/năm với kỳ hạn 12 - 13 tháng. Ảnh: Minh Dũng

Muốn hỗ trợ ngân hàng và doanh nghiệp

Cuối tuần trước, NHNN thông báo cắt giảm 0,25% ở một loạt lãi suất điều hành. Cụ thể, kể từ ngày 16/9 giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; giảm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm. Cách đây 2 tháng, lãi suất tín phiếu cũng đã được NHNN điều chỉnh giảm từ 3% về 2,75%/năm.

Theo quan sát của bộ phận nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng thường dao động trong vùng từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất trên thị trường mở. Thông qua điều chỉnh lãi suất điều hành, NHNN đã kéo khoảng dao động của lãi suất liên ngân hàng giảm khoảng 25 điểm cơ bản.

Tuy nhiên, vốn liên ngân hàng chỉ đáp ứng các nhu cầu ngắn hạn nên tính liên thông từ thị trường liên ngân hàng với thị trường cho vay với tổ chức kinh tế và dân cư là không cao.

Số liệu thống kê cho thấy, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hiện ổn định ở mức 4,3 - 5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5 - 7,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, và 6,4 - 8,1%/năm với kỳ hạn 12 - 13 tháng.

Trước đó, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước tiên phong giảm lãi suất cho vay với các nhóm ngành ưu tiên tới 2 lần kể từ đầu năm đến nay. Đồng thời, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cũng tuyên bố sẽ xử lý nghiêm các ngân hàng thương mại chạy đua tăng lãi suất huy động, trong đó gồm cả việc cắt giảm tăng trưởng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu bất động sản…

Theo đánh giá của Bộ phận nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán SSI, động thái điều hành đó thể hiện sự tăng cường kiểm soát dòng chảy tín dụng và chủ trương giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp của NHNN. Nếu có sự đồng lòng của các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần lớn thì mục tiêu giảm lãi suất vẫn có thể đạt được thông qua các biện pháp kỹ thuật mà chưa cần phải dùng đến biện pháp nới lỏng, bơm tiền vào nền kinh tế.

Chưa cần giảm thêm lãi suất điều hành

Đồng tình quan điểm trên, TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng nói: “Động thái giảm lãi suất điều hành không chỉ phù hợp với xu hướng từ bên ngoài mà còn phát đi tín hiệu tổ chức tín dụng có khả năng giảm thêm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp như cam kết đã đưa ra từ đầu năm là nỗ lực ổn định lãi suất cho vay và giảm lãi suất khi có điều kiện”.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV dự báo: “Từ nay đến cuối năm, về cơ bản lãi suất sẽ ổn định, khả năng giảm lãi suất là không nhiều. Bởi vì, lãi suất đầu vào đang nhích lên. Số lượng các ngân hàng được vay tái cấp vốn, vay qua liên ngân hàng với sự hỗ trợ của NHNN là không nhiều vì chỉ bao gồm các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản và các ngân hàng tham gia các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của NHNN. Hay nói cách khác, động thái giảm lãi suất điều hành lần này sẽ có tác động đến mặt bằng lãi suất nhưng không nhiều. Việc giữ lãi suất cho vay ổn định từ nay đến cuối năm đã là thành công”.

Về một số ý kiến cho rằng, NHNN nên tiếp tục giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ thị trường, theo ông Lực, điều này là không cần thiết và không phù hợp, bởi lẽ, lãi suất điều hành không liên thông nhiều với lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại và việc giảm lãi suất hơn nữa có thể ảnh hưởng đến lạm phát và các mục tiêu vĩ mô khác.

Còn theo ông Bùi Quang Tín, mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang chỉ hơn 3%/năm cho thấy thanh khoản ngân hàng đang ổn, còn lãi suất huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư chỉ tăng với tiền gửi trung, dài hạn và xuất hiện ở ngân hàng nhỏ nên không mang tính đại diện cho cả thị trường. Do đó, việc tiếp tục giảm lãi suất là chưa cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Chuyên đề