Vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Khó chồng khó

(BĐT) - Theo dự kiến của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nếu các khó khăn, vướng mắc của Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được tháo gỡ với nỗ lực cao của tổng thầu Trung Quốc, thì đến ngày 30/6/2020, Dự án có thể bàn giao cho TP. Hà Nội vận hành. Tuy nhiên, với những diễn biến mới phức tạp của dịch nCoV, thời điểm vận hành Dự án triển khai hơn 10 năm, đội vốn gần 10 nghìn tỷ đồng có lẽ còn mịt mờ.
Sau nhiều lần “lỡ hẹn”, người dân vẫn phải tiếp tục mòn mỏi chờ vận hành Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Lê Tiên
Sau nhiều lần “lỡ hẹn”, người dân vẫn phải tiếp tục mòn mỏi chờ vận hành Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Lê Tiên

Bộ GTVT cho biết, đánh giá an toàn hệ thống là nội dung phải thực hiện trước khi đưa Dự án đồng bộ vào vận hành, đã được thỏa thuận bổ sung vào hợp đồng giữa Chủ đầu tư và Tổng thầu. Phía Việt Nam đã lựa chọn Liên danh tư vấn Apave - Certifier - Tricc có uy tín, năng lực kinh nghiệm để đánh giá độc lập về an toàn hệ thống. Đến nay, Liên danh tư vấn đã đánh giá và phát hành được 12/13 báo cáo chứng nhận an toàn hệ thống, tồn tại còn lại để hoàn thành công việc đánh giá liên quan đến đánh giá an toàn đoàn tàu (Tổng thầu chưa cung cấp đủ các chứng chỉ mức độ an toàn, kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất).

Thời gian qua, Bộ GTVT đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho Dự án: liên tục làm việc với Tổng thầu, đơn vị tư vấn độc lập về tiến độ Dự án và thời gian hoàn thành các hạng mục công việc cụ thể, làm việc với lãnh đạo cấp cao của Tổng thầu để đề xuất tiến độ hoàn thành Dự án, sát sao với Tổng thầu khắc phục các khiếm khuyết về thiết bị trong quá trình thi công, lắp đặt…

Theo bảng kế hoạch chi tiết của Tổng thầu về tiến độ thực hiện Dự án, thời gian hoàn thành công tác nghiệm thu, chuyển giao Dự án là ngày 31/3/2020. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, thời hạn hoàn thành này mới là dự kiến, Tổng thầu không cam kết tiến độ và vẫn đưa ý kiến rằng việc đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ Dự án không phải chỉ là trách nhiệm riêng của Tổng thầu. Hơn nữa, các mốc tiến độ do Tổng thầu đưa ra còn có nhiều điểm chưa khả thi vì Tổng thầu đề nghị thống nhất các vấn đề tồn tại của Dự án mà không nêu thời gian hoàn thành công tác khắc phục. Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt và các bên liên quan tiếp tục làm việc để rà soát, làm rõ thêm các nội dung, khắc phục, xử lý dứt điểm các tồn tại cùng với Tổng thầu để có thể bàn giao Dự án vào ngày 30/6/2020.

Trong khi đó, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch nCoV, hơn 100 chuyên gia làm việc cho Dự án vẫn đang mắc kẹt ở Trung Quốc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán do Chính phủ Trung Quốc hạn chế công dân xuất cảnh. Theo lịch dự kiến ban đầu, hơn 100 chuyên gia Trung Quốc sẽ trở lại Việt Nam làm việc vào ngày 1/2/2020, song mới đây, Tổng thầu và Tư vấn giám sát của Dự án đã xin lùi lịch trở lại Việt Nam làm việc cho các chuyên gia nói trên đến sau ngày 8/2/2020. Tại cuộc họp giao ban mới đây của Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt và các đơn vị liên quan nghiên cứu giải pháp cho các chuyên gia Trung Quốc sớm quay lại Việt Nam làm việc.

Được phê duyệt từ năm 2009 với tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỷ đồng, đến nay, tổng mức đầu tư của Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được điều chỉnh tăng lên 18.000 tỷ đồng. Theo nội dung hợp đồng EPC ký giữa Cục Đường sắt Việt Nam với Tổng thầu - Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc vào tháng 5/2009, thời gian thực hiện Dự án không vượt quá 48 tháng, thời gian hoàn thành các hạng mục công trình không vượt quá 36 tháng kể từ ngày Tổng thầu nhận bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Dự án gặp phải quá nhiều khó khăn, vướng mắc đến từ nhiều công đoạn khác nhau. Theo các chuyên gia, hình thức hợp đồng EPC chưa được quy định rõ ràng tại thời điểm ký kết hợp đồng (tháng 5/2009) là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện Dự án, dẫn đến hợp đồng EPC thực hiện Dự án chưa chi tiết, hoàn chỉnh, thiếu chặt chẽ, chưa đúng với bản chất hợp đồng EPC khi giá trị hợp đồng chỉ là tạm tính.

Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài đến tháng 5/2014 mới cơ bản hoàn thành và đến tháng 8/2015 mới bàn giao toàn bộ mặt bằng ga Cát Linh. Việc chậm giải phóng mặt bằng cũng là một nguyên nhân kéo dài thời gian thực hiện Dự án, phát sinh chi phí cho Dự án.

Tháng 9/2018, Dự án đã cơ bản hoàn thành khối lượng xây lắp và lắp đặt thiết bị, chạy thử đơn động các hệ thống. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm trôi qua, do chưa có kinh nghiệm trong vai trò tổng thầu EPC, Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện được hồ sơ hoàn công, tiến hành các thử nghiệm và đánh giá an toàn hệ thống để đưa vào vận hành.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư