Trung tâm thương mại cuối cùng của Parkson tại Hà Nội đã đóng cửa vào cuối năm 2016. |
Sau 8 năm hoạt động, Parkson Flemington (TP HCM) tuyên bố đóng cửa, đánh dấu trung tâm thương mại thứ 4 của tập đoàn rút khỏi Việt Nam. Dù vậy, quyết định này cũng không quá bất ngờ khi hoạt động của Parkson tiếp tục rơi vào khó khăn.
Năm 2017, dù doanh thu của Parkson Holding Berhad đạt gần 4 tỷ Ringgit Malaysia (RM), tương đương hơn 23.000 tỷ đồng, khoản lỗ hoạt động tăng gần 40% so với năm trước, đạt 142 triệu RM. Trong đó, Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường có tỷ lệ tăng trưởng âm cao nhất.
Tỷ lệ tăng trưởng đối với các trung tâm thương mại đã mở trên một năm (same-store sales growth - SSSG) của Parkson tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận con số âm trong năm tài chính 2017 (kết thúc ngày 30/6/2017). Tỷ lệ này là âm 13,6%, mức độ giảm chỉ dưới Myanmar, nhưng đứng trên tất cả các thị trường còn lại của Parkson.
Về kết quả kinh doanh cụ thể, tổng doanh thu của thị trường Việt Nam và Myanmar trong năm tài chính 2017 chỉ đạt 101 triệu RM (gần 600 tỷ đồng), giảm hơn 9% so với năm trước. Bộ phận kinh doanh này báo lỗ 5 triệu RM, tương đương hơn 29 tỷ đồng.
"Thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn trong thời kỳ bão hòa và tình hình hoạt động đã chứng minh những khó khăn của hiện tại", ông Tan Sri William H.J. Cheng - Chủ tịch của Parkson Holdings cho biết trong thư thường niên gửi các cổ đông năm 2017.
Là đơn vị trực thuộc Parkson Holdings Berhad (PHB) - công ty thành viên của Tập đoàn Lion (Malaysia), Parkson nhảy vào thị trường Việt Nam từ năm 2005 và trở thành một trong những nhà phát triển mặt bằng bán lẻ hàng hiệu đầu tiên tại đây.
Tuy nhiên, kể từ năm 2014 làn sóng đầu tư của Parkson đã dừng hẳn. Đây là năm duy nhất trong suốt thời gian gia nhập thị trường Việt Nam, họ không mở rộng thêm trung tâm thương mại. Rồi các năm sau đó, đơn vị này đã lần lượt phải đóng cửa các trung tâm thương mại tại thành phố lớn khi triển vọng kinh doanh sụt giảm mạnh.
Cuối năm 2016, tập đoàn này đã quyết định đóng cửa trung tâm thương mại Parkson Viet Tower tại Thái Hà, Hà Nội, đánh dấu sự rút lui hoàn toàn tại thủ đô. "Môi trường kinh doanh tại thị trường miền Bắc, đặc biệt là các trung tâm thương mại tại Hà Nội đang suy yếu khi ngày càng nhiều mặt bằng bán lẻ bị bỏ trống. Trong khi các trung tâm thương mại tại miền Nam, TP HCM vẫn tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh khả quan, nâng hiệu suất kinh doanh tổng thể của thị trường Việt Nam", ông Tan Sri Cheng Heng Jem - Chủ tịch Parkson Retail Asia cho biết trong thông điệp gửi các cổ đông.
Tuy nhiên, "vận hạn" của Parkson vẫn chưa dứt khi thị trường TP HCM, vốn được đánh giá khả quan hơn, đã bắt đầu theo chân miền Bắc.
Khi rút khỏi Hà Nội (thị trường được đánh giá là kém hiệu quả), Parkson nói đây là bước đi trong nỗ lực tối ưu hóa hiệu suất hoạt động trở lại tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả thu được vẫn chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi.
Những khó khăn của Parkson tại thị trường Việt Nam, vốn không phải điều mới. Là một nhà bán lẻ hàng đầu, Parkson mang vào Việt Nam mô hình kinh doanh theo hướng siêu thị hàng hiệu cao cấp chia theo từng nhãn hàng và hầu hết chỉ cung cấp duy nhất dòng sản phẩm này trong trung tâm thương mại của Parkson.
Tuy nhiên, với cơ cấu dân số trẻ tại các thành phố lớn chủ yếu là giới văn phòng và sinh viên, mức thu nhập không quá cao, nhu cầu các sản phẩm hàng hiệu trở thành một điều xa xỉ.
Trong khi hàng loạt mô hình trung tâm thương mại “one-stop mall” hay “one-stop shopping” (cung cấp tất cả các dịch vụ tại một điểm) quy mô lớn được xây dựng trở thành đối trọng quá lớn với mô hình kinh doanh của Parkson. Không ngẫu nhiên khi sự rút lui của Parkson thường đi cùng với sự xuất hiện của những trung tâm thương mại mới gần đó.