Vẫn còn nhiều cách để khắc phục hậu quả ở 8 dự án BOT giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất chi ngân sách hơn 13.100 tỷ đồng để mua lại 8 dự án BOT giao thông không thể tiếp tục thu phí hoàn vốn. Tuy nhiên, Bộ này chưa có phân tích, diễn giải vì sao đề xuất mua theo hướng trả tiền “một cục”, “một lần” cho nhà đầu tư (NĐT). Theo phương án tài chính, NĐT phải có thời gian để hoàn vốn, phải “nhặt nhạnh” từ việc thu phí thì nay được trả "một cục".
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Bài học về việc chi ngân sách nhà nước ra mua lại Truyền hình AVG vẫn còn, do vậy chúng ta cần phải cẩn thận, không lại rơi vào các “bẫy” nhóm lợi ích, nhóm kê khống tài sản - thổi giá rồi thao túng ngân sách nhà nước...

Riêng cá nhân tôi không đồng ý việc chi ngân sách nhà nước để mua lại các dự án BOT có bất cập do lỗi quy hoạch, đặt trạm thu phí sai vị trí. Vì các dự án này triển khai phần lớn không đúng chủ trương mục tiêu của Nhà nước là phải bảo đảm hài hòa lợi ích 3 bên, gồm: NĐT, người dân và Nhà nước.

Nếu như dùng ngân sách nhà nước chi cho các dự án BOT làm ăn thua lỗ thì đó sẽ là tiền lệ xấu cho các hợp đồng đối tác công tư về sau. Nghĩa là dự án thất bại, làm ăn thua lỗ thì lại đề xuất Nhà nước đứng ra dùng ngân sách mua lại. Cứ gánh đỡ như thế còn gì là chủ trương của Đảng, Nhà nước, còn gì là huy động các nguồn lực đầu tư xã hội để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tôi cho rằng, có thể còn nhiều cách khắc phục hậu quả, như cho NĐT kéo dài thời gian thai thác (thu phí), giảm tiền thu phí để thu hút lưu lượng xe. Ngoài ra, có thể áp dụng chính sách hỗ trợ tín dụng, để các ngân hàng khoanh, giãn nợ cho NĐT. Đây là những giải pháp nằm trong thẩm quyền Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ. Nếu thực hiện các giải pháp này thì vấn đề xử lý 8 dự án BOT trên không cần phải trình ra Quốc hội.

Chuyên đề