Ưu tiên ngân sách cho phòng chống dịch và khôi phục kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tạm dừng cải cách tiền lương, sắp thông qua Nghị quyết về miễn giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đồng thời, tiếp tục thúc đẩy các giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước là những nỗ lực nhằm ưu tiên nguồn lực cho phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ khôi phục kinh tế.
Thường vụ Quốc hội đã xem xét và báo cáo cấp có thẩm quyền về Nghị quyết về một số giải pháp nhằm miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Ảnh: Internet
Thường vụ Quốc hội đã xem xét và báo cáo cấp có thẩm quyền về Nghị quyết về một số giải pháp nhằm miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Ảnh: Internet

Tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV chiều ngày 19/10, ông Bùi Văn Cường - Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Thường vụ Quốc hội đã xem xét và báo cáo cấp có thẩm quyền về Nghị quyết về một số giải pháp nhằm miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, dự kiến Nghị quyết sẽ được ban hành trong 19/10 hoặc 20/10.

“Quyết định các chính sách thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã có Nghị quyết 30 ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ được quyết định các giải pháp đặc biệt, đặc thù trong công tác phóng chống Covid-19. Thường vụ Quốc hội đã họp hai cuộc về vấn đề này, lắng nghe ý kiến chuyên gia, các cơ quan liên quan, đánh giá nhiều chiều. Sau đó, chúng tôi đã báo cáo cấp có thẩm quyền”, ông Cường nói.

Một số nội dung của dự thảo Nghị quyết là: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và bị giảm so với tổng doanh thu năm 2019; miễn toàn bộ số thuế phải nộp của quý III và quý IV/2021 cho các hộ cá nhân kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/10 - 31/12/2021 cho một số lĩnh vực dịch vụ theo tờ trình của Chính phủ; miễn tiền nộp chậm, phát sinh năm 2020 và năm 2021 cho các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.

Bên cạnh đó, để dành thêm nguồn lực cho công tác phòng chống Covid-19 và hồi phục kinh tế, theo ông Bùi Văn Cường, Hội nghị Ban chấp hành trung ương 4 vừa rồi cũng dừng việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 do dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến thực trạng kinh tế - xã hội của nước ta.

“Không chỉ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân mà còn phải chi rất nhiều cho công tác phòng chống Covid -19. Vì thế, việc tăng lương theo lộ trình đã đặt ra tại Nghị quyết 27 là hết sức cần thiết, song trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc ưu tiên nguồn lực cho an sinh xã hội, chăm lo cho người dân cần hơn. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng đồng thuận việc này”, ông Cường nói.

Liên quan nội dung này, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, để thực hiện Nghị quyết 27, nhiều giải pháp tạo nguồn lực để cải cách tiền lương đã được chuẩn bị. Đó là, việc triển khai các nhiệm vụ cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước đảm bảo thu bền vững, thực hành tiết kiệm chống tham nhũng lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản để tiết kiệm tạo nguồn, quyết liệt thu hồi tài sản của các vụ án tham nhũng về kinh tế, tăng cường nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước và tiết kiệm 10% chi thường xuyên hàng năm…

“Nhìn chung, các vấn đề này đều được tập trung thực hiện song so với nhu cầu là chưa đủ nguồn lực. Bên cạnh đó, đề án vị trí việc làm, tinh giản bộ máy vẫn chưa song hành kịp thời. Do đó, các điều kiện cần thiết để cải cách tiền lương là chưa đạt yêu cầu. Đồng thời, diễn biến dịch bệnh phức tạp buộc phải tập trung nguồn lực quốc gia cho công tác phòng chống Covid-19. Hiện nay, các địa phương đang đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng nguồn tiết kiệm cho cải cách tiền lương để giải quyết cho phòng chống dịch. Đây là những vấn đề phát sinh ngoài dự kiến. Mặt khác, trong giai đoạn cả nước đang tập trung cho phòng chống dịch, đón cơ hội phục hồi kinh tế nên nếu có tiền đi nữa mà tăng lương thì cũng phản cảm”, ông Phong nói.

Dành nguồn lực cho hồi phục và phát triển kinh tế cũng là nội dung được chú trọng tại kỳ họp Quốc hội lần này. Theo đó, Quốc hội dự kiến xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề