Ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các gói hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với các giải pháp toàn diện, trọng tâm và chú trọng công tác thực thi, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết) được đánh giá sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế hồi phục trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng, cần thực hiện nhanh và đúng để đảm bảo hiệu quả thực thi.

Hành động sớm để không lỡ nhịp, mất đi cơ hội phát triển

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có quy mô gần 350.000 tỷ đồng là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu phục hồi kinh tế - xã hội sau những tác động nghiêm trọng kéo dài của đại dịch Covid-19.

Theo đó, một điểm rất quan trọng là hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải để việc hấp thụ các chính sách được hiệu quả nhất, bởi quá trình thảo luận trước khi thông qua Nghị quyết có nhiều nhóm đối tượng được đề xuất trong Chương trình. Tuy nhiên, việc hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm gắn với giải quyết các vấn đề cấp bách nên đòi hỏi tính kịp thời, có sự bổ sung chứ không thay thế các nghị quyết phát triển khác của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, tập trung hỗ trợ các nhóm trọng tâm: đầu tư nâng cao năng lực y tế phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội; hỗ trợ phục hồi DN; phát triển kết cấu hạ tầng và giải pháp khác.

Với tính ưu việt này, khi Chương trình đi vào cuộc sống sẽ không chỉ tác động tích cực đối với nhóm được hỗ trợ trực tiếp mà còn tạo ra tác động lớn hơn là cơ hội kinh doanh mới cho toàn bộ DN đang hoạt động.

Do đó, việc cần làm lúc này là sau khi Quốc hội đã rất khẩn trương thì Chính phủ cần sớm ban hành giải pháp cụ thể về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngay trong tháng 1 này. Việc hành động đưa chính sách vào cuộc sống chậm ngày nào thì làm lỡ cơ hội của DN ngày đó.

Tạo cú huých kích thích tiêu dùng trong nước và toàn dân được hưởng

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng là chương trình kích thích kinh tế lớn nhất từ trước đến nay.

Cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới, việc triển khai có hiệu quả và đúng mục tiêu của Gói hỗ trợ vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn, nhiều DN có cơ hội vực dậy, chớp lấy thời cơ để phát triển nhanh.

Tuy nhiên, tổng ngân sách tăng thêm từ gói hỗ trợ là 176 nghìn tỷ đồng, giải ngân trong 2 năm sẽ là rất nhỏ so với quy mô nền kinh tế 7 triệu tỷ đồng nên đừng nghĩ hỗ trợ là bơm tiền vào nền kinh tế, vì hiểu như thế sẽ làm mọi người lo lạm phát và rút tiền đi đầu cơ tài sản. Các gói hỗ trợ không chỉ dành cho DN mà tất cả mọi người dân đều được hưởng lợi. Đây sẽ là một cú huých mạnh kích thích tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước và toàn dân được hưởng.

Nếu giải ngân được trọn vẹn gói hỗ trợ lãi suất thì sẽ đưa được 2 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, tạo nên tính lan tỏa mạnh mẽ. Từ gói hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng sẽ kích cầu đầu tư sản xuất kinh doanh, do đó không chỉ các nhà thầu xây dựng, mà các DN sản xuất, kinh doanh cũng sẽ được hưởng lợi.

Vấn đề là các gói hỗ trợ phải được thực thi nhanh nhất để người dân và DN có thể tiếp cận được ngay. Việc giải ngân đầu tư công cần thực hiện theo lộ trình, tránh giải ngân ồ ạt cùng một lúc.

“Chiến lược tốt, cần phương pháp và cách thức triển khai tốt”

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Về mặt thiết kế chính sách, Nghị quyết đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp về thời điểm và bối cảnh. Nội dung hỗ trợ tập trung vào những lĩnh vực có khả năng tác động tốt vào nền kinh tế, kiềm chế lạm phát.

Muốn đạt được mục tiêu đề ra là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng…, thì cần phải triển khai nhanh các gói hỗ trợ. Điều này tùy thuộc vào việc thực thi.

Ngoài công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cần phát huy những bài học thành công và rút kinh nghiệm của giai đoạn trước để bằng mọi cách sớm đưa các gói hỗ trợ đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Tuy nhiên, việc triển khai nhanh các gói hỗ trợ này sẽ gặp phải những áp lực, trong đó áp lực lớn nhất là tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm từ phía cơ quan nhà nước. Do đó cần sớm thể chế hóa cách thức triển khai.

Về phía DN nhỏ và vừa, việc tiếp cận chính sách, tìm kiếm cơ hội là việc của DN. Muốn khai thác, tận dụng cơ hội từ chính sách, thì đòi hỏi DN phải dám hành động, dám quyết liệt tranh luận, dám đòi quyền lợi, tránh tâm lý sợ mâu thuẫn, sợ va chạm.

Chủ động và có trách nhiệm thực thi

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế

Các chính sách trong gói hỗ trợ sẽ tạo ra động lực giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế, để có thể đạt được tăng trưởng 6,5% trong năm 2022 và tạo cơ hội cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Chính sách đã được ban hành và thời hạn triển khai trong 2 năm, do đó cần triển khai sớm, đúng đối tượng thụ hưởng, nếu không thì không còn là gói hỗ trợ khẩn cấp và không đảm bảo hiệu quả.

Trong đó, có thể lấy kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh làm chỉ tiêu đánh giá hiệu quả thực thi của chính sách này. Mặt khác, cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp nhiều hơn cho DN, người lao động. Bên cạnh các giải pháp giảm, hoãn thuế, tiền thuê đất và phí, lệ phí, cần hướng đến giảm chi phí sản xuất kinh doanh của DN, đặc biệt qua việc giảm tối đa quy định kiểm tra, thanh tra.

Để triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ này, cần sớm có các quy định và hướng dẫn cụ thể, các cơ quan thực thi cần chủ động và có trách nhiệm trong thực thi.

Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sâu, ước tính thiệt hại khoảng 30 tỷ USD, hàng triệu người dân mất việc làm, nhiều DN phá sản, đóng cửa... Do đó, Nghị quyết được ban hành rất kịp thời, phù hợp.

Cụ thể, Chính phủ chủ trương sử dụng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm ngân sách 2022 để thực hiện gói hỗ trợ người lao động thuê nhà; gói hỗ trợ trị giá khoảng 110.000 tỷ đồng để phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh… Thông qua biện pháp hỗ trợ lãi suất 2% tiền vay được đánh giá là cần thiết, đáp ứng nhu cầu ổn định, phục hồi của DN. Đề án của Chính phủ có đưa ra các ngành được hỗ trợ 2% như hàng không, vận tải, du lịch, dịch vụ…, đây đều là những ngành bị tác động nặng nề nhất của đại dịch. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đặc biệt coi trọng hiệu quả của đầu tư công. Trong giai đoạn hiện nay, nguồn vốn đầu tư công có vai trò rất lớn trong việc dẫn dắt, huy động các nguồn lực của xã hội. Hiệu quả của đầu tư công là bệ phóng rất lớn để các DN hồi phục sau đại dịch.

Tuy nhiên, để DN phục hồi hiệu quả, ưu tiên số một hiện nay là đẩy nhanh tiến độ các gói hỗ trợ đến người dân, DN bị ảnh hưởng. Đồng thời, cần có tính toán cụ thể tỷ trọng hỗ trợ đối với từng ngành, từng lĩnh vực để đảm bảo tính đồng bộ…

Chuyên đề