Ưu tiên đầu tư dự án trọng điểm cho vùng Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa được giao chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Tại Nghị định, một số chính sách ưu tiên trong đầu tư các dự án, công trình hạ tầng kinh tế, xã hội trọng điểm của vùng Thủ đô có tính chất liên vùng, kết nối lan tỏa được đề xuất với mục tiêu tạo động lực tăng trưởng nhanh và bền vững cho Vùng.
Việc ưu tiên đầu tư các dự án, công trình trọng điểm của vùng Thủ đô có tính chất liên vùng, kết nối lan tỏa nhằm tạo động lực tăng trưởng nhanh và bền vững cho Vùng. Ảnh: Lê Tiên
Việc ưu tiên đầu tư các dự án, công trình trọng điểm của vùng Thủ đô có tính chất liên vùng, kết nối lan tỏa nhằm tạo động lực tăng trưởng nhanh và bền vững cho Vùng. Ảnh: Lê Tiên

Vùng Thủ đô Hà Nội được xác định gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh, gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang.

Trong thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách cho Thủ đô Hà Nội và vùng Thủ đô phát triển bền vững đã được ban hành. Tuy nhiên, việc thiếu cơ quan đầu mối và cơ chế điều phối có hiệu quả, hiệu lực để phối hợp hành động, điều hòa lợi ích, giải quyết các vấn đề chung dẫn đến việc liên kết vùng Thủ đô chưa đem lại hiệu quả tương xứng cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương thuộc Vùng. Do đó, việc ban hành Nghị định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô được kỳ vọng sẽ huy động nguồn lực để triển khai các quy hoạch, xúc tiến đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh để cùng phát triển.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô, trong đó có các chính sách ưu tiên đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội trọng điểm của vùng Thủ đô.

Theo Dự thảo Nghị định, các lĩnh vực trọng tâm phù hợp với trình độ và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội mà Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh sẽ tập trung phối hợp gồm: quản lý quy hoạch xây dựng; y tế, giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; quản lý và bảo vệ môi trường, đất đai; quản lý dân cư và phát triển, quản lý nhà ở; quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật; phát triển và quản lý giao thông vận tải.

Để phát triển kinh tế - xã hội của Vùng nhanh, bền vững, Dự thảo Nghị định đưa ra các quy định đảm bảo ổn định trong việc ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm cho các tỉnh, thành phố trong Vùng. Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định tập trung ưu tiên đầu tư các dự án công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cho Vùng và các tỉnh trong Vùng, tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể về: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thương mại - dịch vụ, phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn.

Liên quan đến việc huy động nguồn vốn đầu tư,Bộ KH&ĐT kiến nghị tại Dự thảo Nghị định cho phép miễn, giảm tiền thuê đất toàn bộ thời gian của các cơ sở thực hiện dự án trọng điểm của Vùng có tính kết nối, lan tỏa thuộc lĩnh vực xã hội hóa đối với lĩnh vực y tế, quản lý và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo đề xuất ưu tiên một số cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội trọng điểm của Vùng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP)…

Để phù hợp với yêu cầu phát triển của các địa phương trong Vùng ở từng thời kỳ, Dự thảo Nghị định giao Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục các công trình, dự án cụ thể trong từng thời kỳ làm cơ sở thực hiện đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Dự thảo Nghị định cũng đưa ra cơ cấu tổ chức điều phối vùng Thủ đô, mô hình tương tự Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có 1 Phó Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng Vùng.

Cơ quan soạn thảo nhấn mạnh, việc ban hành Nghị định sẽ tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành và tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô có cơ hội liên kết phát triển, Thủ đô Hà Nội có thêm cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, phù hợp với quy định tại Luật Thủ đô.

Chuyên đề