Ưu đãi vượt trội để phát triển khu công nghệ cao

(BĐT) - Phát triển các khu công nghệ cao (KCNC) là hướng đi mở đường cho việc tạo mối liên kết giữa hoạt động nghiên cứu và phát triển với hoạt động sản xuất kinh doanh. 
Khu công nghệ cao TP.HCM thu hút thành công nhiều tập đoàn, công ty công nghệ đa quốc gia. Ảnh: Tất Tiên
Khu công nghệ cao TP.HCM thu hút thành công nhiều tập đoàn, công ty công nghệ đa quốc gia. Ảnh: Tất Tiên

Tuy nhiên, để thu hút thêm nhiều nguồn lực và chất xám, cần sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng của các KCNC và đặc biệt là phải có những chính sách ưu đãi vượt trội. 

Trên 43.000 tỷ đồng phát triển khu công nghệ cao

Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 3 KCNC đã được thành lập: KCNC Hòa Lạc tại Hà Nội (1.586 ha), KCNC Đà Nẵng (1.010 ha) và KCNC TP.HCM (913 ha). Tổng diện tích đã đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng các KCNC là 2.062 ha, bằng khoảng 59% tổng diện tích quy hoạch các KCNC (3.509 ha). Các KCNC này đều đang trong quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, ước tính nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng trên 43 nghìn tỷ đồng.

Tính đến nay, KCNC Hòa Lạc đã có 73 dự án đầu tư với số vốn đăng ký là hơn 57.782 tỷ đồng, diện tích đất lấp đầy 355,47 ha. Trong đó, có các dự án lớn như Trường Đại học FPT, Khu phần mềm FPT của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ FPT, Trung tâm Công nghệ cao Viettel và Tổ hợp nghiên cứu thiết kế chế tạo sản xuất thiết bị viễn thông của Tập đoàn Viettel, Trung tâm Vệ tinh quốc gia sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản...

KCNC TP.HCM hiện đã thu hút được 62 dự án đầu tư (còn hiệu lực), trong đó có 34 dự án trong nước và 28 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 2 tỷ 535 triệu USD. KCNC TP.HCM đã thu hút thành công các tập đoàn, công ty công nghệ đa quốc gia lớn đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Intel (Hoa Kỳ), Nidec (Nhật Bản), Datalogic Scanning (Italia), Sonion (Đan Mạch), Jabil, Sanifo… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước như Tập đoàn FPT, TMA Solutions, CMC Telecom, HPT, UVP… cũng đã có dự án đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu USD trong KCNC này.

Mới đây, Ban Quản lý KCNC Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 1 dự án trong nước của Viện Kỹ thuật xây dựng hạ tầng với tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng, diện tích 0,49 ha. Mục tiêu của Dự án là nghiên cứu và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vật liệu mới siêu bền, siêu nhẹ, thân thiện với môi trường hoặc sử dụng trong môi trường khắc nghiệt. Lũy kế đến nay, Ban Quản lý KCNC Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án, trong đó có 2 dự án FDI sản suất công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD (100% vốn Nhật Bản). 

Yêu cầu ưu đãi vượt trội

Các KCNC nước ta đều đang trong quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, ước tính nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng trên 43 nghìn tỷ đồng.
Các KCNC là nơi được Chính phủ dành nhiều điều kiện ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư, các nhà khoa học vào làm việc và nghiên cứu, ứng dụng và cho ra đời các sản phẩm mới có hàm lượng khoa học và công nghệ cao.

Tuy nhiên, theo Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do kết cấu hạ tầng tại các KCNC của nước ta chưa hoàn thiện, ưu đãi đầu tư cũng chưa thực sự hấp dẫn, nên thu hút đầu tư vào KCNC, nhất là đầu tư nước ngoài, những năm qua vẫn còn hạn chế.

Theo các chuyên gia kinh tế, ưu đãi vượt trội là điều kiện cần thiết và quan trọng nếu muốn phát triển thành công mô hình KCNC. Chia sẻ kinh nghiệm từ Trung Quốc, một chuyên gia kinh tế cho biết, quốc gia này hiện có nhiều KCNC, phần nhiều thuộc các thành phố lớn ven biển hoặc thủ phủ của các tỉnh trong đất liền có nền kinh tế tương đối phát triển, như khu vực phát triển công nghệ cao và khoa học ở Thượng Hải; Công viên công nghệ cao ở Đại Liên; Công viên khoa học công nghệ ở Thâm Quyến; Khu phát triển xí nghiệp CNC ở Hạ Môn hay Công viên khoa học công nghệ quốc tế ở Hải Nam. Các KCNC này phát triển mạnh, trong đó có nhiều khu đạt cấp độ nhà nước và được phép hưởng một số chính sách ưu đãi đặc biệt.

Để tạo đà cho các KCNC phát triển, trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15%, và tiếp tục giảm đến 10% đối với các xí nghiệp có tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm trên 70% hàng năm; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm kể từ khi kinh doanh có lợi nhuận đối với liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài thành lập mới; giảm các loại thuế nhập khẩu, thuế đối với sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm dùng cho chế biến hoặc lắp ráp để xuất khẩu…

Chuyên đề